ClockThứ Sáu, 28/10/2022 07:00

Nét đẹp văn hóa từ “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”

TTH - Sau 3 năm triển khai, mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” được Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nhân rộng, thu hút đông đảo người dân đồng lòng, chung sức.

Xây dựng hơn 900 “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”

Ra quân dọn dẹp vệ sinh “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” tại phường Thuận An. Ảnh: Thành đoàn Huế

Đồng lòng, chung sức

Sau đợt mưa lũ đầu và giữa tháng 10, tuyến đường liên thôn nối hai xã Quảng Vinh và Quảng Phú (Quảng Điền) tuy không bị ngập úng, nhưng vẫn chịu ít nhiều ảnh hưởng. Cuối tuần vừa qua, người dân thôn Đồng Bào (xã Quảng Vinh) cùng nhau ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, chăm sóc lại các luống hoa và cây trồng hai bên đường. Đây cũng là công việc định kỳ mỗi sáng cuối tuần của bà con, bởi đây là “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” - niềm tự hào từ sự chung sức, đoàn kết của cả hệ thống chính trị địa phương.

Từ 100 triệu đồng được hỗ trợ thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu để lắp đặt bồn hoa và hố cây, người dân thôn Đồng Bào đã góp công, góp sức tạo nên tuyến đường kiểu mẫu với đầy đủ cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng. Nổi bật, công trình cổng chào trị giá gần 350 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa do người dân đóng góp được khánh thành từ năm 2019.

Bà Lê Thị Liên, người dân sống trên tuyến đường chia sẻ, trước đây khu vực này chỉ là đoạn đường bê tông bình thường như bao nơi khác. Từ khi được chính quyền địa phương quan tâm và sự đồng lòng, chung sức của mọi người nên cảnh quan đã được “thay áo mới”.

Ông Đặng Viết Chung, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Quảng Vinh cho biết, điểm mấu chốt tạo nên sự thành công của mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” chính là sự chung sức của cả hệ thống chính trị, trong đó quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân.

Hiện Mặt trận xã đang tiếp tục nhân rộng mô hình trên ở các thôn còn lại; trong đó tập trung phối hợp các đoàn thể chính trị - xã hội phân công đảm nhận các tiêu chí cụ thể như: Đoàn Thanh niên phụ trách hệ thống chiếu sáng; Hội Nông dân đảm nhận trồng cây xanh; Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động hội viên vệ sinh môi trường định kỳ; Hội Cựu chiến binh đảm bảo an ninh trật tự…

Không riêng xã Quảng Vinh, mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” được triển khai sâu rộng tại các tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, Thừa Thiên Huế đã xây dựng được 921 “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; hầu hết các tuyến đường giao thông từ nông thôn đến đô thị đều được các chi hội, đoàn thể đảm nhận quản lý, làm sạch đẹp môi trường. Bên cạnh đó, vận động Nhân dân lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ở các tuyến đường nhằm đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở khu dân cư.

Tiếp tục nhân rộng

Theo thông tin từ Mặt trận tỉnh, qua đánh giá sơ bộ, ba năm qua việc triển khai xây dựng mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” ở nhiều địa phương được người dân tích cực hưởng ứng tham gia. Kết quả đạt được trong xây dựng mô hình ở khu dân cư, tổ dân phố góp phần nâng cao ý thức về công tác bảo vệ môi trường gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Nổi bật, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai xây dựng các mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” như: bồn hoa bằng lốp ô tô; trồng hoa “Tuyến đường kiểu mẫu”; “Điểm xanh văn hóa” gắn với phong trào “Sắc hồng Cố đô” trên địa bàn thành phố Huế; tuyến đường hoa tại thôn An Lỗ, xã Phong Hiền (Phong Điền); tuyến đường hoa mai vàng tại thôn 3, xã Hương Lộc (Nam Đông)…

Công tác tuyên truyền, vận động hội viện và các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện mô hình cũng được mặt trận các cấp cụ thể hóa bằng những phần việc thiết thực như: phối hợp tổ chức ra quân xử lý, dọn dẹp các điểm về ô nhiễm môi trường; khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm, vệ sinh bờ biển; bóc tách quảng cáo, rao vặt không đúng quy định, lập lại trật tự vỉa hè, lề đường; tổ chức trồng cây xanh và hoa ở nhiều tuyến đường, lắp đặt điện chiếu sáng... Các cơ quan, đơn vị, trường học duy trì thường xuyên vệ sinh cơ quan, chăm sóc cây cảnh, bồn hoa góp phần tạo cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, sáng.

Tiếp nối những thành quả đạt được, đại diện Mặt trận tỉnh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục vận động các tầng lớp Nhân dân duy trì và nhân rộng mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”.

Mặt trận và đoàn thể các cấp cũng cần tăng cường công tác phối hợp đồng bộ với tinh thần kiên trì và huy động tổng hợp nhiều nguồn lực để duy trì mô hình. Trong đó, tập trung đặt mục tiêu mỗi địa phương xây dựng một “Tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn” tiêu biểu và phù hợp với đặc điểm từng vùng. Đây sẽ là mô hình huy động được sự đồng lòng, chung tay vào cuộc của người dân, hướng đến xây dựng Huế trở thành đô thị xanh, Thành phố 4 mùa hoa, Thành phố không rác thải.

Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Return to top