ClockChủ Nhật, 11/02/2024 12:06

Thử thách & cống hiến

TTH - Bằng nhiều cách làm sáng tạo, dám đương đầu thử thách, thế hệ trẻ đã, đang nỗ lực góp sức, chung tay xây dựng quê hương sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Hơn 450 tình nguyện viên tham gia hiến máu tại Ngày hội hiến máu “Giọt hồng sẻ chia”Hơn 400 tình nguyện viên Quảng Điền tham gia Ngày hội “Chia sẻ giọt hồng” Lan tỏa phong trào hiến máu, hiến tạng

 Ngô Minh Hiếu (trái) đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Thanh niên Khởi nghiệp tỉnh năm 2022

Khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương

Tháng 11 vừa qua, Thừa Thiên Huế vinh dự có một gương mặt được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2023 dành cho thanh niên xuất sắc trong các lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp, sản xuất, có mô hình góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, nhằm phát triển tích cực kinh tế - xã hội địa phương và đất nước.

Ngô Minh Hiếu (sinh năm 1977) được nhiều người biết đến là “Chàng trai vàng” khởi nghiệp với Dự án “Đậu phụng tỏi ớt huenuts”. Hiếu liên tục đoạt được nhiều giải thưởng lớn về khởi nghiệp, như: Giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do UBND tỉnh tổ chức năm 2022; Giải Nhất cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II; Thanh niên tiêu biểu cấp tỉnh làm theo lời Bác năm 2023…

Ngô Minh Hiếu tâm sự, bản thân được sinh ra, lớn lên và học tập tại Quảng Phú (huyện Quảng Điền) - là cái nôi của nông nghiệp, có đậu phộng là cây trồng chủ lực và là sinh kế của bà con nông dân. Hiếu luôn trăn trở làm sao để tăng giá trị nông sản, vừa góp phần quảng bá đặc sản quê hương, vừa giúp giải quyết đầu ra cho bà con và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Vì vậy, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm và tu nghiệp ở Đan Mạch, cuối năm 2021, Hiếu trở về quê hương bắt tay vào khởi nghiệp, với việc thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và chế biến nông sản Quảng Phú, gồm 8 thành viên.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, HTX Sản xuất và chế biến nông sản Quảng Phú đã phát triển với quy mô nhà xưởng rộng 110m2, khu văn phòng và kho 150m2, diện tích trồng đậu phộng hơn 20ha VietGAP và liên kết hơn 50ha với nông dân. Hiện, sản phẩm Huenuts có mặt ở 16 tỉnh, thành trên cả nước, với hơn 500 khách hàng và đã hoàn thành hồ sơ OCOP 3 sao. Trung bình mỗi năm, HTX đạt doanh thu 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 14 lao động thường xuyên, 4 lao động thời vụ.

Tại vùng cao A Lưới, thanh niên Hồ Thị Hương (sinh năm 1990) cũng từng ngày trăn trở làm giàu trên vùng đất quê hương với mô hình Farmstay camping Hương Rừng. Bắt đầu đón khách từ tháng 5/2023, đến nay, Farmstay camping Hương Rừng đã ghi nhận hơn 2.000 lượt khách đến trải nghiệm.

Theo chị Hương, mô hình này không chỉ đơn thuần là kinh doanh dịch vụ lưu trú, mà còn là nơi để du khách trải nghiệm đặc trưng văn hóa của bà con đồng bào Tà Ôi với những ngôi nhà kiến trúc truyền thống, làn điệu dân ca như hát Kâr lơi, Ba boih, Cha chấp mang âm hưởng, hơi thở của núi rừng Trường Sơn và những món ăn đậm chất vùng cao.

Hiện Farmstay camping Hương Rừng đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương cùng nhiều lao động thời vụ khác. Với ấp ủ tiếp tục mở rộng và chuyên nghiệp hóa mô hình, tháng 11 vừa qua, Hồ Thị Hương đã tham gia và đoạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Tỉnh đoàn tổ chức, với ý tưởng “Xây dựng mô hình Farmstay camping gắn liền bảo tồn văn hóa truyền thống”.

Không riêng Ngô Minh Hiếu và Hồ Thị Hương, với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều bạn trẻ xuất phát từ các cuộc thi khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức đã dám dấn thân, đương đầu với thử thách, đưa các các mô hình hay, ý tưởng sáng tạo vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và ngày càng phát triển, như: Dự án Yến sào Đoan Ngọ; Dự án Du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm vườn cây ăn trái trên vùng gò đồi; Dự án Ứng dụng drone vào canh tác nông nghiệp...

Farmstay camping Hương Rừng của chị Hồ Thị Hương thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm 

Góp phần quảng bá văn hóa

Cuối năm 2023, Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi thiết kế video clip về chủ đề “Ẩm thực Cố đô - Hương vị và Ký ức” trên nền tảng xã hội và thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Với đa dạng các món ăn và chủ đề như: “Tương măng Phong Mỹ”; “Phần mẹ nhường”; “15K - Ăn cả Hương Trà”; “Ẩm thực vùng cao A Lưới”… các tác phẩm dự thi đã thể hiện được sự tâm huyết của thế hệ trẻ khi giới thiệu các đặc sản của địa phương.

Đoạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm “Giới thiệu món ăn Cháo tà lục tà lạo”, nhóm tác giả đến từ Đoàn xã Hồng Thượng gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo bằng món ăn độc đáo, đậm chất núi rừng, gắn liền với đời sống bà con vùng cao A Lưới.

Anh Hồ Bá Thuật, Bí thư Đoàn xã Hồng Thượng - Trưởng nhóm tác giả chia sẻ, Cháo tà lục tà lạo vốn là món ăn tuổi thơ của không ít người con vùng cao. Giờ đây, món cháo này đã dần trở thành đặc sản của A Lưới và được đông đảo du khách quan tâm. “Đoạt giải Nhất cuộc thi là động lực giúp tuổi trẻ Hồng Thượng tiếp tục tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương đến bạn bè khắp nơi; từ đó thu hút ngày càng nhiều du khách đến với A Lưới”, anh Thuật tâm sự.

Theo thông tin từ Huyện đoàn A Lưới, Đoàn xã Hồng Thượng cũng là điển hình trong phát triển du lịch tại địa phương, với mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch tại bãi bồi sông A Sáp. Đến nay, mô hình đã trở thành địa điểm check-in thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là những bạn trẻ đến cắm trại trải nghiệm.

Đại diện Tỉnh đoàn cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc thi thúc đẩy tinh thần của đoàn viên, thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa Huế như: “Sinh viên với Áo dài Huế”; “Nét đẹp văn hóa, di sản Thừa Thiên Huế qua lăng kính thanh niên”…

Nổi bật phải kể đến hoạt động “Hướng dẫn viên du lịch thanh niên - Dạo bước Bao Vinh” miễn phí cho du khách trong và ngoài nước do sinh viên Khoa Quốc tế - Đại học Huế phối hợp với Đoàn phường Hương Vinh (TP. Huế) triển khai.

Sinh viên Lê Hữu Thảo, tình nguyện viên Tour 0 đồng Dạo bước Bao Vinh chia sẻ, đây là dịp để bản thân tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích và rèn luyện kỹ năng mềm khi tham gia hướng dẫn du khách. Quan trọng nhất, là một người con của vùng đất Cố đô, được cống hiến một phần sức trẻ nhỏ bé vì quê hương vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm.

Với Đội Công tác xã hội thanh niên TP. Huế, các tình nguyện viên trẻ lại chọn cách tổ chức trò chơi dân gian như nhảy sạp, ô ăn quan, nhảy dây, kéo co… tại Phố đêm Hoàng thành Huế trong Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế năm 2023, thu hút đông đảo du khách, người dân tham gia.

Anh Nguyễn Thanh Hoài, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung vào công tác tuyên truyền, khơi gợi lòng yêu văn hóa, quê hương của thế hệ trẻ. Đồng thời, tổ chức các diễn đàn, cuộc thi và hoạt động trong đoàn viên về triển khai các đề án phát triển văn hóa Huế như: “Huế - Kinh đô áo dài”; “Huế - Kinh đô ẩm thực”; “Festival 4 mùa”; “Thành phố 4 mùa hoa”; “Ngày Chủ nhật xanh”… Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn ở mỗi địa phương cũng cần tư duy, linh hoạt tổ chức các hoạt động căn cứ theo lợi thế và tình hình đặc điểm ở mỗi vùng.

Minh Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 24/4, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định cùng lãnh đạo thành phố đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên

TIN MỚI

Return to top