Chính xác thì trong con số 457 nêu trên, có 442 sinh viên hệ cao đẳng và 15 học sinh hệ trung cấp ở các chương trình đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn du lịch, quản trị lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, quản trị khu resort, phiên dịch tiếng Anh du lịch, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ lưu trú, nghiệp vụ lễ tân vừa được Trường cao đẳng Du lịch Huế trao bằng tốt nghiệp vào cuối tháng 3 vừa qua. Con số 1.850 là nhu cầu về các vị trí việc làm của 21 doanh nghiệp khi tham gia ngày hội việc làm được tổ chức nhân dịp này.
Đặt trong bối cảnh hoạt động du lịch vẫn chưa khởi sắc trở lại; nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng thì 1 sinh viên/học sinh có từ 3 đến 5 lựa chọn ngay khi vừa tốt nghiệp là điều làm cho không ít người bất ngờ.
Bắt đầu có sự chuẩn bị, đón đầu cho các hoạt động du lịch-dịch vụ trong thời gian tới là điều có thể nhận thấy ngay từ một sàn giao dịch việc làm. Cần một đội ngũ mới, được đào tạo và trang bị các kỹ năng cần thiết là sự dịch chuyển khác về nguồn nhân lực có chất lượng của thị trường lao động. Không chỉ các doanh nghiệp Thừa Thiên Huế mà cả Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định và các tập đoàn tuyển dụng tại Nhật Bản, Đức, Đài Loan cùng tham gia tuyển dụng đã cho thấy nhu cầu này.
Đặt trong bức tranh tổng quan, chúng ta có thể nhận thấy, sau những tác động của “siêu bão” COVID-19 lên các nền kinh tế nói chung và du lịch – dịch vụ nói riêng, có một nguồn nhân lực rất lớn đã rời đi và không phải tất cả đều quay trở lại, hoặc có cơ hội quay trở lại ở trạng thái bình thường mới. Họ hoặc có thể đã tìm thấy sự ổn định ở một ngành nghề khác; hoặc không còn muốn quay lại khi thu nhập chưa được như cũ. Một số doanh nghiệp có thể muốn có thêm những người trẻ hơn, rồi cập nhật thêm kiến thức, kỹ năng và trau dồi kinh nghiệm để tạo những vị trí kế cận trong tương lai…
Thực ra, trước khi có đại dịch, nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề vẫn luôn là một thách thức ở mảng hoạt động này. Số lao động đã qua đào tạo mỗi năm khoảng gần 15.000 người, trong khi nhu cầu mỗi năm dao động trong con số 40.000 là một thông số từ Tổng cục Du lịch. Vấn đề là ở chỗ, chỉ 12% lao động được đào tạo có bằng cao đẳng và đại học. Vì những tác động của COVID-19, việc tuyển chọn, sắp xếp và cơ cấu lại nguồn nhân lực có tay nghề và kỹ năng nghề để trở lại thị trường có lẽ đang là vấn đề của các doanh nghiệp ở mảng dịch vụ này.
Điều cần thấy ở đây còn là uy tín của đơn vị đào tạo. Không dễ để có đến 21 doanh nghiệp tham gia một sàn giao dịch, thậm chí có đơn vị trong số này không hoạt động trong ngành du lịch – dịch vụ. Điều này chỉ có thể được khẳng định bằng chất lượng đào tạo. Chú trọng kỹ năng thực hành nghề có lẽ đã là một yếu tố quan trọng trong tuyển dụng lao động. Đó cũng là nhu cầu thực của chất lượng nguồn lao động mà Trường cao đẳng Du lịch Huế đã xác tín trong thời gian qua.
Lê Nguyễn