Trong tổng số này, có 1.720 lao động nông thôn học nghề theo Đề án 1956, đạt 68,8% kế hoạch. Báo cáo của UBND tỉnh cũng cho hay, đào tạo nghề đã gắn với giải quyết việc làm và hầu hết là đào tạo nghề cho lao động nông thôn xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Vì thế sau khi ra trường, tỷ lệ có việc làm cao.
Chưa thật sự lớn đủ để tạo ra một sự thay đổi rõ rệt, song năm học vừa qua, toàn tỉnh có 3.685/13689 thí sinh năm cuối hệ trung học phổ thông chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp cũng đã cho thấy một sự chuyển biến về việc chọn, hay không chọn vào đại học. Tuy nhiên, cũng chưa thể nói một cách chắc chắn điều gì về việc chọn ngành, chọn nghề nếu không có một khảo sát cụ thể. Con số tham khảo cho thấy, trong 5 năm từ 2011-2015, toàn tỉnh có 81.000 lao động qua đào tạo nghề nhưng chủ yếu số lao động này đều chọn hình thức đào tạo ngắn hạn. Số đào tạo nghề ở bậc cao đẳng chỉ có 7.600 người và khoảng trên 10.000 lao động chọn hình thức đào tạo ở bậc trung cấp nghề. Ngay trong 8 tháng đầu năm, số lượng tuyển sinh vào cao đẳng nghề và trung cấp nghề cũng chỉ đạt tỷ lệ thấp – 29,5%. Một ví dụ cụ thể, mặc dù đã được nâng cấp bậc đào tạo từ trung học lên cao đẳng, nhưng số sinh viên bậc đào tạo này của Trường cao đẳng Nghề trong năm học vừa qua cũng vỏn vẹn 8 người. Mùa tuyển sinh năm nay, việc tuyển sinh vào các trường nghề cũng chưa mấy khả quan, nếu không nói là vẫn khó khăn kéo dài, dù các trường đã tìm rất nhiều cách, đi rất nhiều nơi, mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo để tăng năng lực tuyển sinh.
Thiếu học sinh, sinh viên học nghề, dẫn đến việc các trường nghề hiện nay chưa và không có điều kiện phát huy năng lực về cơ sở vật chất và con người. 358 tỷ đồng là nguồn vốn mà tỉnh đã đầu tư trong khoảng thời gian từ 2011- 2016 để phát triển dạy nghề, trong đó khoảng 170 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng cơ bản. Hiện, các trung tâm giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã được sắp xếp lại nhưng đội ngũ giáo viên, giảng viên ở tất cả các cơ sở đào tạo nghề từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng của cả trung ương lẫn địa phương có số lượng không nhỏ, chỉ riêng số giảng viên của các trường nghề có bằng thạc sĩ đã ở con số 361 người. (Cơ hội cho trường nghề - baothuathienhue.vn).
Những điều này cho thấy, dù đã có sự thay đổi, nhưng cũng mới chỉ ở ban đầu và cho đến hiện nay, nhận thức và tâm lý nghề nghiệp vẫn là trở lực lớn nhất không chỉ đến công tác tuyển sinh, đào tạo nghề mà cả đối với khả năng tìm kiếm việc làm, giải quyết an sinh xã hội. Không thể nóng vội ở bất cứ điều gì, song nếu không có một kế hoạch tốt hơn, định hướng nghề tốt hơn và truyền thông tốt hơn, điều này sẽ tiếp tục là một áp lực đối với sự phát triển trong thời gian nhiều năm tới!
Lê Nguyễn An Nhi