ClockChủ Nhật, 17/02/2019 10:43
CHẠM VÀO KÝ ỨC...:

Bài 1: Ký ức Pha Long

TTH.VN - Với những cựu chiến binh (CCB) ở Lào Cai mà chúng tôi được gặp, ký ức về những ngày đối mặt với mưa bom bão đạn 40 năm trước với họ chẳng thể nào quên. CCB Phan Doãn Năm, sinh năm 1958, hiện sinh sống tại thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai không thể nào quên thời khắc cách đây 40 năm.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lạiMãi mãi tuổi xuân nơi biên cươngTính chính nghĩa của Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Vào mồng 9 Tết Nguyên đán Kỷ Mùi - mùa xuân 1979, bất ngờ quân địch bên kia biên giới tràn sang Pha Long (Mường Khương) tập kích nơi ông đóng quân…

 

CCB Phan Doãn Năm

CCB Phan Doãn Năm, sinh năm 1958, hiện sinh sống tại thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai không thể nào quên thời khắc cách đây 40 năm. Vào mồng 9 Tết Nguyên đán Kỷ Mùi - mùa xuân 1979, bất ngờ quân địch bên kia biên giới tràn sang Pha Long (Mường Khương) tập kích nơi ông đóng quân…

Tháng 7/1977, Phan Doãn Năm - chàng trai trẻ quê Vũ Thư, Thái Bình tròn 21 tuổi theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ vào lực lượng công an vũ trang (nay là lực lượng biên phòng). Sau khi tham gia các khóa huấn luyện chiến sĩ mới, ông trở về Hoàng Liên Sơn làm tiểu đội trưởng, tham gia huấn luyện tân binh. Đến tháng 12/1978, ông được tăng cường lên Pha Long (Mường Khương), công tác tại Đại đội 3 cơ động thuộc Công an nhân dân vũ trang Hoàng Liên Sơn, đóng quân tại thôn Sà Chải cách Đồn Biên phòng Pha Long gần 500m.

Thời điểm này, tình hình biên giới căng thẳng. Ông Năm nhớ lại: Trước ngày “nổ súng”, trong một lần đi tuần tra biên giới ở ngã ba sông Xanh (thượng nguồn sông Chảy) khoảng 2 - 3 giờ sáng, chúng tôi đã có những va chạm, đụng độ tay chân với quân thám báo của địch mật phục ở mép sông. Lúc bấy giờ, dù có đầy đủ vũ khí nhưng lệnh ở trên là chưa được nổ súng. Khi thấy những dấu hiệu bất thường, tôi và đồng đội đã chủ động dùng võ thuật “đẩy” quân địch ra khỏi lãnh thổ.

Nhưng đến 12 giờ đêm 16, rạng sáng 17/2/1979, khi đang trên đường tuần tra khu vực Đồn Biên phòng Pha Long, bất ngờ ông Năm nghe thấy một tiếng súng nổ. Sau này, ông mới hiểu đó là tiếng súng báo hiệu của địch chuẩn bị chiến đấu. Trên cương vị tiểu đội trưởng, ông Năm đã báo động cho đồng đội sẵn sàng lên chốt và phân công một tổ mai phục ở nhà dân…

Từ lúc ấy, những làn đạn liên tục từ bên kia biên giới nã sang toàn bộ khu vực xã Pha Long. Khi thấy xung quanh chốt lô nhô quân địch phục kích sẵn, không chờ lệnh của cấp trên, ông Năm ra hiệu nổ súng. Hai bên đấu súng đến sáng, quân địch ngừng bắn để ém quân, đến 9 giờ sáng 17/2, bọn chúng rút hết quân về phía bên kia biên giới. Lúc đó, anh em trong tiểu đội củng cố lại chốt để sẵn sàng chống trả.

Từ đêm 17 sang ngày 18/2/1979, quân bành trướng lại tràn sang, lần này chúng đông hơn và tấn công mạnh hơn. Chúng dùng tù và để báo hiệu cho quân sang đánh. Đến 19 giờ ngày 18/2, chốt của ông Năm có một đại đội địch bao vây nên ông đã chỉ huy đơn vị tìm cách rút khỏi chốt. Trời lạnh, sương mù mịt nên dù chưa có thương vong nhưng vũ khí, đạn dược của ta đã tiêu hao nhiều. Sau khi rút về phía sau, ngay đêm hôm đó, tiểu đội tổ chức tấn công bằng pháo. Ông Năm trực tiếp bắn 4 quả pháo B40 vào chốt Sà Chải, không thấy quân địch phản hồi…

Sáng 19/2, địch lại tổ chức tấn công cả khu vực Pha Long. Đơn vị ông Năm vừa đánh vừa rút để đảm bảo an toàn. Một binh nhì của Tiểu đội ông Năm bị bắt cóc nhưng sau đó được giải vây. Bộ đàm mất liên lạc, mãi tối 19/2, tiểu đội mới liên lạc được với Thượng úy Vàng Seo Sáy, Đại đội trưởng, người Mông, quê ở Bắc Hà. Đại đội trưởng Vàng Seo Sáy lúc ấy chỉ đạo cho ông Năm phối hợp với bộ đội địa phương giữ chốt C177 bằng mọi giá để “cầm cự” bảo vệ đồn, bảo vệ nhân dân, đồng thời phân công ông Nguyễn Khánh nhận lệnh ngoài Tỉnh đội Công an nhân dân vũ trang Hoàng Liên Sơn (nay là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh), phân công Trung úy Hà Quốc Lụy, Đại đội phó ở lại trực tiếp cùng anh em chiến đấu.

Sau khi nhận lệnh của Đại đội trưởng Vàng Seo Sáy, ông Năm về triển khai trong tiểu đội và quán triệt anh em không được bỏ vị trí chiến đấu. Lúc bấy giờ anh em trong tiểu đội bảo nhau, bằng mọi giá phải cố thủ để bảo vệ Đồn Pha Long… Sau đó, ông Năm chỉ đạo anh em đổi hướng rút vào cửa khẩu Lồ Cố Chin, nhưng khi qua chốt C177 thì bị phục kích đành phải quay trở lại, rút qua sân Đồn Pha Long và qua Tả Ngải Chồ ra thị trấn Mường Khương để sang Nấm Lư, lên Cao Sơn, xuống sông Chảy về theo hướng Bảo Nhai (Bắc Hà)…

Trên đường rút ra đến Tả Ngải Chồ, ông Năm và đồng đội gặp ông Sáy, nhưng đã bị bắn chết, trên trán vẫn còn nguyên viên đạn găm vào. Vì phía sau tiếng súng nổ nhiều nên ông Năm chỉ kịp rút viên đạn ra khỏi trán người chỉ huy của mình rồi phải đi ngay… Sáng sớm 23/2, trên đường đi, tiểu đội bất ngờ bị một trung đội của địch ở vách đá trên cao phục kích, xả lựu đạn xuống đường, ông Năm và đồng chí Hiền, quê ở Yên Bái dùng súng bắn tỉa và rút ngược trở lại Đồn Pha Long, nằm phục ở đó gần 1 ngày. Sau đó, nhân lúc trời nhá nhem tối, 2 anh em mới rút theo đường chính đi bộ về Mường Khương.

Khi tới thôn Lũng Pâu, xã Tả Ngài Chồ, trong một trận chống trả địch, ông Năm trúng đạn và bị thương nặng. Trên đường đi, họ gặp nhiều đơn vị và người dân cùng rút ra hướng Cao Sơn. Do vết thương mất nhiều máu, lại không có sức, có 2 cán bộ thương nghiệp đã tình nguyện thay nhau cõng ông. Về đến Trạm Quân y tiền phương tại cầu Bảo Nhai, ông Năm được xử lý vết thương và được đưa về Bảo Yên, sau đó về Bệnh viện 6 tiền phương ở Tây Cốc (Đoan Hùng - Phú Thọ) điều trị. Thời gian này, ông nhận tin gia đình xảy ra chuyện.

Gia đình ông Năm ở phường Duyên Hải, thị xã Lào Cai, có bố mẹ, 1 người anh, 2 chị gái và 1 em gái. Chiến sự xảy ra, quân địch bắc cầu phao tràn sang tàn phá thị xã Lào Cai, bố ông Năm là ông Phan Doãn Năng đã cùng anh trai Phan Nhật Quang đưa chị dâu vừa sinh con được 9 ngày sơ tán về Yên Bái. Sau này, nghe các chiến sĩ kể lại, dù nhà ông Năm bị địch đốt và gài mìn xung quanh nhưng mẹ ông là bà Đoàn Thị Dần và em gái Phan Thị Sáu (đang học lớp 10) nhất quyết ở lại chèo mảng giúp bộ đội qua sông.

Trong lúc ông Năm đang nằm điều trị tại Bệnh viện 6 tiền phương, anh chị ông quay lại thị xã Lào Cai tìm mẹ và em gái nhưng không thấy. Cả gia đình loạn lạc, ly tán… Khi có người thông tin ông Năm đang nằm điều trị, anh trai Phan Nhật Quang và chị gái Phan Thị Tư đã đi xe đạp từ Yên Bái xuống Tây Cốc tìm. Mừng vì gặp lại em trai nhưng chị gái ông Năm vẫn nức nở khi chưa tìm thấy mẹ và em gái. Mặc dù vết thương chưa lành hẳn, nghĩ mẹ và em gái về quê, ông Năm xin ra viện, 3 anh em lặn lội về tận Thái Bình để tìm cũng không thấy. Ông Năm quay lại đơn vị tại Km5 Phố Lu (Bảo Thắng) - Đại đội Huấn luyện cơ động bây giờ, còn anh chị ông tiếp tục đi tìm mẹ và em gái.

Rưng rưng nước mắt, ông Năm kể: Khi quay trở lại Duyên Hải, cả thị xã Lào Cai hoang tàn, đổ nát, anh chị tôi được một chiến sĩ ở chốt gần đấy chỉ chỗ mẹ và em gái mất, đó là khu vực Ngã ba công ty (đường Điện Biên bây giờ). Xác mẹ và em gái cách nhau 2 mét, bị một tấm liếp tre nứa đè lên. Đúng ngày tổ chức lễ 100 ngày cho mẹ và em gái thì bố ông đau lòng quá, cộng thêm sức khỏe yếu nên cũng qua đời… Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Sau này, gia đình ông lấy ngày 22/2 hằng năm làm ngày giỗ cho mẹ và em gái. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 17/2, ông lại thắp hương để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh…

Bài, ảnh: Kiều Lê - Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Ngày 13/12, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với Trường THPT Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử 80 năm của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển

Chiều 28/11, tại tỉnh Xê Kông, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Xê Kông, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào tổ chức Hội đàm lần thứ XVIII năm 2024 với Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) 3 tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển
Return to top