Anh hùng lực vũ trang Hoàng Minh Phương với công việc đời thường
Sau khi nhập ngũ vào Trung đoàn 254 đóng quân ở Mường Khương được 2 năm, tháng 1/1978, chiến sĩ người Tày quê ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - Hoàng Minh Phương được điều sang Lai Châu ở Trung đoàn 741. Chốt tiền tiêu nơi tiểu đội của ông đóng quân gần Đồn Biên phòng Pa Nậm Cúm (Phong Thổ - Lai Châu).
Thời gian trước khi xảy ra chiến sự, quân xâm lược bắc loa sang gây hấn, nhưng các đơn vị bộ đội của ta vẫn im lặng bởi theo ông Phương “Có lệnh cấp trên mới đánh”. Rạng sáng 17/2/1979, không thấy loa phát thêm, tất cả đều im phăng phắc. Khoảng 2 giờ sáng 17/2, ông Tào Văn Khấn, người Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn lên chốt đúng lúc ông Phương đang trong ca gác. “Khả năng tối nay hoặc tối mai chiến sự có thể xảy ra, các đồng chí thật cảnh giác!” - ông Khấn chỉ kịp nói chuyện khoảng 2 phút như thông báo rồi đi ngay. Hơn 4 giờ sáng thì quân địch tấn công. Lúc ấy bộ đội của ta đã chuẩn bị chu đáo vũ khí, lương thực ở hầm trú ẩn chữ A...
Sáng hôm sau, quân địch bắn pháo ầm ào cả khu vực Pa Nậm Cúm. Từ 6 giờ sáng, địch trần pháo quét lên quét xuống gần 2 tiếng đồng hồ mới chuyển làn. “Lần đầu tiên trong đời thấy bắn pháo, tôi cũng hoảng sợ nhưng sau đó trấn tĩnh và anh em trong chốt động viên nhau. Tôi hô đồng đội: Pháo đã chuyển làn, các đồng chí ra vị trí chiến đấu” - Anh hùng Hoàng Minh Phương nhớ lại.
Ngày hôm ấy, địch tấn công 3 lần. Cũng vào khoảng 6 giờ sáng 18/2, ông Phương dặn đồng đội phải cảnh giác. Sau khi đi cảnh giới thấy có người đánh sơn cước biệt kích lẫn vào cỏ di chuyển, ông bắn thử thấy họ lùi, phát hiện có địch, ông hô anh em ra bắn chừng 20 phút. Sau đó, địch bắn phá trở lại quyết liệt. Vì quân địch đông, nên sau khoảng thời gian tiêu hao vũ khí, đạn dược, ông Phương và đồng đội đánh theo hướng cầm cự. Ông Quang, Trung đội trưởng cũng chỉ đạo ông Phương dùng hỏa lực (tổ cối) bắn yểm trợ các hướng. Lúc ấy, ông Phương không còn biết sợ, cứ thế 6 hòm đạn, mỗi hòm 12 viên cối, đồng đội lắp đạn, còn ông Phương làm nhiệm vụ trực tiếp bắn.
Sau đó có quân chi viện, xe tăng lên đến cầu Pa Nậm Cúm, ông Phương bắn thử 1 viên đạn, chừng 15 - 20 phút sau, địch lại bắn trả ác liệt. Ông Phương cởi áo và mũ dựng một chỗ ở gốc cây làm “mục tiêu” giả và địch mắc lừa, chúng dùng súng 12 ly 7 bắn liên tục vào đó. Ông Phương liên tục chỉ đạo các hướng đáp trả. Sau khi bắn hết đạn cối, ông Phương lại trở về vị trí chiến đấu. Ông phải bò theo giao thông hào, có lúc bị súng bắn trúng đến ngất đi, sau đó khi vừa tỉnh lại tiếp tục chống trả... Cuộc chiến tiếp tục diễn ra ác liệt.
Những giây phút cuối cùng, đơn vị chỉ còn ông Phương và 2 thương binh, đồng đội hết thảy đều hy sinh. Ngay cả chốt tiền tiêu cũng bị địch chiếm nên khi ông Quang bị thương, chiến sĩ khiêng lên chốt thì bị trúng đạn cũng hy sinh.
Đến 6 giờ tối 18/2, ông Phương thấy tình thế không an toàn nên đã rút theo đường bí mật sau khi bắn quả B40 cuối cùng. Trên đường rút ra đến km2 trạm hậu cứ Đồn Biên phòng Pa Nậm Cúm, ông thấy quân lính của địch rất đông ở đấy. Tình thế nguy nan khi không có đường lui, không còn lương thực, đói khát, ông Phương phải vào khe uống nước cầm hơi và ẩn náu tránh những làn đạn pháo của quân địch. Tầm 10 giờ đêm, vẫn thấy quân địch tràn sang, ông đành bám mảng chuối bơi qua sông Nậm Na giữa những ngày tháng giêng giá rét để sang đất Sìn Hồ.
Trời rét buốt, ông Phương ngâm mình trong nước để đẩy mảng chuối và đưa 2 đồng đội bị thương qua sông, ra khỏi vị trí nguy hiểm. Mất hơn 1 ngày chỉ ăn quả ngõa, ngọn lau cầm hơi, đến ngày 20/2 mới ra đến Pa So, thêm một lần bơi qua sông. Nhập nhoạng tối hôm ấy, lúc gần như mệt lả người, đang đi bộ ra Phong Thổ thì ông may mắn gặp xe của lâm trường. Họ chở 3 anh em quay lại Phong Thổ đến bản Thẩm Pú, trạm chốt của Trung đoàn. Ông Phương đưa 2 đồng đội bị thương vào hang để dưỡng thương. Lúc gặp lại đơn vị cũ, mọi người ôm nhau khóc, mừng mừng tủi tủi, bởi ai cũng nghĩ đại đội của ông Phương đã bị xóa sổ.
Sau khi củng cố lại đơn vị, ông Phương tiếp tục cùng đồng đội trở lại Dào San, nơi Tiểu đoàn 1 đang bị bao vây để giải vây cho đồng đội. Trong lúc hành quân vào Dào San, ông được quân báo tình hình phải quay trở lại, rút ra Tam Đường làm nhiệm vụ củng cố và thu dung chiến sĩ mới.
Tháng 12/1979, ông Phương được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang và về làm Trung đội trưởng C5, lại tiếp tục phục vụ trong quân đội.
Giờ đây, cứ đến những ngày tháng 2 này, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Minh Phương lại nhớ về những kỷ niệm ngày ở Pa Nậm Cúm, nhớ về những đồng đội đã hy sinh. Ông luôn dặn lòng mình và nhắc nhở con cháu không được quên những năm tháng ấy.
Bài, ảnh: Kiều Lê - Minh Hà