|
|
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Ảnh: TTXVN |
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Đảng đặt ra mục tiêu quan trọng từ nay đến năm 2030 tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Trong bổ nhiệm cán bộ, hiện tượng “chạy” (cấp dưới) và lợi dụng quyền lực của lãnh đạo (cấp trên) là một trong những biểu hiện của “tham nhũng quyền lực”. Thông thường, cán bộ ở từng cơ quan khi đã có đủ tiêu chuẩn sẽ được quy hoạch và được bổ nhiệm khi thiếu hoặc cần bổ sung lãnh đạo. Với những cơ quan nhỏ, ít cán bộ quy hoạch thì sự “cạnh tranh” không nhiều, nhưng với cơ quan có nhiều cán bộ đủ tiêu chuẩn thì mức độ so sánh, cạnh tranh sẽ nhiều hơn.
Khi cần bổ nhiệm mới, cán bộ quy hoạch được xem là “cán bộ nguồn”, “trong tầm ngắm” và được xem sẽ có nhiều hy vọng được bổ nhiệm. Đây là giai đoạn chờ đợi “nước rút” nên sự cạnh tranh tích cực, phấn đấu vượt trội cho vượt trội so với “đối thủ” và không tránh khỏi phân vân giữa phấn đấu tích cực hay phải “chạy”. Người ta hay gọi đó là thời gian “nín thở chờ qua sông”. Vậy nhưng đến “phút 89” khi cấp trên bổ nhiệm cán bộ nơi khác đến thì “sốc” của cán bộ tại chỗ mới thực sự xuất hiện. Người không được đề bạt mất vui, hụt hẫng, có khi còn bị anh em trong cơ quan nhìn với con mắt khác thường.
Bổ nhiệm, điều động cán bộ từ nơi này đến nơi khác là việc bình thường, là nhu cầu của công việc nếu cán bộ đó phù hợp chuyên môn, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu. Nhưng chỉ như vậy thì không có gì phải bàn! Ở đây chỉ nói đến những cán bộ không được tín nhiệm, năng lực không hơn cán bộ tại chỗ lại được điều động, bổ nhiệm đến mới là điều đáng nói (Không đề cập đến luân chuyển cán bộ để thử thách theo Quy định 98-QĐ/TW).
Lúc này mới thấy rõ được “ý chí” chủ quan hay nói đúng hơn là vấn đề không bình thường của lãnh đạo có thẩm quyền trong điều động cán bộ. Người ta tìm mọi cách để lý giải và “lăng xê” với người đã có ý định điều động. Khi ai đó đã được cẩp trên đưa vào “tầm ngắm” người ta sẽ “trang bị” những tiêu chuẩn, đưa ra nhận xét rất kêu, kể cả tạo dư luận không có thể tốt hơn.
Những chức vụ có “cơ cấu cứng” về Đảng, đoàn thể còn được sắp xếp theo dạng luân chuyển theo đúng “cơ cấu” theo quy định. Những trường hợp được “ưu ái” còn được sắp xếp từ sớm, từ xa điều đến những ghế “bắc cầu” sát với chức vụ dự định. Chẳng thế mà có nhiều người luân chuyển về địa phương để thử thách nhưng mới được một thời gian rất ngắn được điều động lại, thậm chí đề bạt vào 2, 3 vị trí khác nhau cho phù hợp với chức vụ mới…
2. Bổ nhiệm, sử dụng không đúng người là một trong những yếu tố hết sức nguy hại trong mọi công việc, nhất là công tác tổ chức, cán bộ. Nếu lựa chọn, bổ nhiệm nhầm cán bộ thì không những không “chạy” việc, nhiệm vụ không hoàn thành, thậm chí còn là hiểm họa khi bổ nhiệm người thoái hóa, biến chất về chính trị, "chui sâu, leo cao" phá nội bộ từ bên trong. Người được điều động do có những “mối quan hệ” với lãnh đạo có thẩm quyền hoặc “chạy” thường không đảm bảo tiêu chuẩn, gây nên tình trạng mất đoàn kết nội bộ, gây bất bình trong dư luận.
Lãnh đạo có quyền bổ nhiệm sau khi “hạ cánh” để lại “người thân”, “thuộc hạ”, “cánh hẩu”… sắp xếp ở những vị trí “tốt”, là căn nguyên của mất niềm tin của cán bộ, quần chúng trong từng tập thể, cao hơn là giảm lòng tin của Nhân dân vào Đảng. Bổ nhiệm, điều động là khâu hết sức nhạy cảm, nếu bị cá nhân có thẩm quyền chi phối thì tình trạng phe cánh, cục bộ, mất đoàn kết trong nội bộ là khó tránh khỏi.
Nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong những năm gần đây tập trung khắc phục những yếu kém, tồn tại và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ trình độ, năng lực, đạo đức, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xác định tiêu chuẩn và năng lực thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao để mỗi cán bộ có động cơ trong sáng, mẫu mực về phẩm chất, lối sống, tận tâm, tận lực với công việc.
Bổ nhiệm cán bộ vào cương vị chủ chốt là việc làm công phu, là trách nhiệm bổ sung cán bộ kế thừa cho từng cấp và đội ngũ lãnh đạo nói chung. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ khi điều động, bổ nhiệm là yêu cầu có tính nguyên tắc, là kỷ luật của tổ chức Đảng. Trước hết là không để tình trạng nhận xét cán bộ theo cảm tính hoặc bị chi phối bởi các hiện tượng tiêu cực. Cấp ủy Đảng trước khi ban hành nghị quyết các vấn đề về cán bộ phải được cung cấp đầy đủ, trung thực những thông tin liên quan đến cán bộ. Trong hội nghị cấp ủy, ý kiến của các thành viên là dân chủ, có giá trị ngang nhau, biểu quyết theo đa số, cần thiết có thể bỏ phiếu kín với trường hợp cần thiết, nhạy cảm. Người đứng đầu có trách nhiệm quyết định cao nhất, nhưng phải tuân thủ phục tùng theo đa số.
Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng trong điều động, bổ nhiệm cán bộ nhằm triệt tiêu các khả năng tạo nên tham nhũng. Trong đó, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi để ban hành những quy định mới, nhất là những quy định còn sơ hở, những cơ chế dễ phát sinh tiêu cực. Xây dựng quy chế chặt chẽ kiểm soát quyền lực, chống cho được lạm quyền của người đứng đầu trong “điều khiển”, “hướng lái”, “gợi ý” hoặc quyết định điều động, bổ nhiệm. Cần kiểm soát đa chiều nhằm hạn chế lạm dụng quyền lực, kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm, kiểm soát bên trong với tạo cơ chế kiểm soát từ bên ngoài của Nhân dân và dư luận xã hội. Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định thi tuyển, bầu cử, tạo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch khi bổ nhiệm, điều động...