ClockThứ Sáu, 06/07/2018 05:45
KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY BÁO DÂN RA SỐ ĐẦU TIÊN TẠI HUẾ (6/7/1938 - 6/7/2018)

Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng

TTH - Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3/2/1930), trong thời gian ngắn đã có ít nhất 25 tờ báo thuộc hệ thống tổ chức từ Xứ ủy Trung Kỳ, Nam Kỳ, nhiều tỉnh ủy, huyện ủy, đảng ủy cho đến một số tổ chức quần chúng xuất hiện ở Việt Nam, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống ách đô hộ thực dân Pháp.

Báo Dân xuất bản năm 1938. Ảnh: DPT

Tháng 4/1930, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời. Hai tháng sau (tháng 6/1930), Đảng bộ tỉnh cho xuất bản một số tờ báo, như: Con Đường Đấu Tranh (được xem là tờ báo đầu tiên của của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế), Việt Thường; Học Trò… Bên cạnh đó, dòng báo chí yêu nước, cảm tình với những người hoạt động cách mạng cũng xuất hiện những bài báo, tờ báo có nội dung tiến bộ.

Trong phong trào vận động dân chủ 1936 - 1939 ở Huế, báo chí cách mạng xuất bản công khai đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương, đường lối, phương hướng hoat động của Đảng. Trong thời kỳ này, các tờ báo lần lượt ra đời, như: Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn, Sông Hương Tục Bản, Dân, Dân Tiến và Dân Muốn… đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ của Đảng. Giai đoạn này, đồng chí Phan Đăng Lưu được Xứ ủy phân công tổ chức Hội nghị báo giới Trung Kỳ tại Huế để tập hợp những người viết báo tiến bộ, đồng thời hướng vào các cuộc đấu tranh chung của dân tộc.

Ngày 27/3/1937, Hội nghị báo giới Trung Kỳ khai mạc tại Đông Pháp Lữ quán, mở đầu cho cuộc vận động mở hội nghị báo giới ở các địa phương khác. Lo sợ trước những hoạt động tích cực của Báo Nhành Lúa, nhà cầm quyền đã tịch thu giấy phép và đóng cửa báo ngày 19/3/1937. Dù chỉ tồn tại hơn 2 tháng với 13 số báo, Nhành Lúa đã tạo được chuyển động đặc biệt trong đời sống báo chí Huế và miền Trung, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động đấu tranh đòi tự do dân chủ.

Sau khi Báo Nhành Lúa bị rút giấy phép, Báo Kinh Tế Tân Văn ra đời do Hoàng Trọng Khanh làm Tổng lý, Phạm Bá Nguyên làm Giám đốc, Lê Quế làm chủ nhiệm. Báo Kinh Tế Tân Văn đóng vai trò như người phát ngôn của Đại hội báo giới Trung Kỳ. Báo ra được 4 số thì bị cấm hoạt động.

Trong thời điểm chuẩn bị tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ mà các báo Nhành Lúa và Kinh Tế Tân Văn bị cấm hoạt động, Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương không còn báo chí trong tay, giữa lúc Báo Sông Hương của Phan Khôi ra đến số 32 tự ngưng phát hành, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương mua lại để lấy thế hợp pháp và lấy tên là Sông Hương, thêm vào hai chữ Tục Bản. Báo do Nguyễn Cửu Thạnh, một nhân sĩ dân chủ làm Chủ nhiệm, Ngô Đức Mậu ở Vinh đứng tên Thư ký tòa soạn. Bài viết chính được các đồng chí Phan Đăng Lưu và Tôn Quang Phiệt phụ trách, viết ở Huế và gửi ra Vinh cho đồng chí Ngô Đức Mậu sắp xếp, trình bày, in tại nhà in thành phố Vinh, in xong phát hành tại Vinh rồi đưa về Huế. Báo Sông Hương Tục Bản tiếp tục nhiệm vụ của tờ Nhành Lúa cổ vũ cho cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ, tự do báo chí, bỏ thuế thân, giảm thuế điền, đặc biệt báo cổ động cho các đại biểu tiến bộ ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ.

Phản ứng trước tác động chính trị mạnh mẽ của tờ Sông Hương Tục Bản, nhà cầm quyền ra lệnh cấm báo hoạt động vào ngày 14/10/1937. Trước tình hình đó, Xứ ủy và Tỉnh ủy tìm cách ra các tờ báo khác để tiếp tục đấu tranh và đã vận động các nhà báo, nghị viên dân biểu tiến bộ là ông Nguyễn Trác, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Các đứng tên xin phép để ra tờ báo công khai lấy tên là Dân. Ngày 26/3/1938, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho thành lập. Trên măng - sét Tuần báo Dân ghi là Tiếng nói của cơ quan liên hiệp tất cả các lực lượng cấp tiến trong xứ, nhưng thực chất Báo Dân là cơ quan ngôn luận hợp pháp của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Trung Kỳ với danh nghĩa của nhóm “Dân biểu xã hội” trong Viện Dân biểu Trung Kỳ. Nội dung chính do đồng chí Phan Đăng Lưu, Xứ ủy viên Trung Kỳ trực tiếp chỉ đạo, số 01 ra ngày 6/7/1938. Tham gia Ban Biên tập có các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Bùi San, Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang, Tôn Quang Phiệt, Trịnh Xuân An, Lê Bồi và sau vài số bổ sung thêm Tố Hữu…

Kế tục đường hướng hoạt động của các Báo Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn, Sông Hương Tục Bản, Báo Dân cho đăng nhiều bài theo chủ trương đấu tranh để thực hiện đường lối Mặt trận Dân chủ Huế và Trung Kỳ, đoàn kết các lực lượng quần chúng trong mặt trận thống nhất, thường xuyên phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đòi cải cách thuế khóa, đòi tự do dân chủ, đòi thả tù chính trị, đòi tự do thành lập Hội ái hữu và nghiệp đoàn; đồng thời vạch trần bộ mặt thối nát của chế độ thực dân phong kiến.

Tuy nhiên, trên Báo Dân số 15, ngày 23/9/1938, có đoạn viết “Đông Sa đảo, một quần đảo của quần đảo Hoàng Sa đã bị Nhật chiếm”. Do viết nhầm một chữ, nên ngay số 16, ngày 30/9/1938, Báo Dân đã chủ động kịp thời cải chính “Một quần đảo gần đảo Hoàng Sa” nhưng Tòa án Nam Triều đã truy tố, kết tội Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Các đăng không thật, làm náo loạn nhân tâm. Sau số 17, ngày 7/10/1938, Báo Dân bị đóng cửa.

Sau khi Báo Dân bị cấm, tận dụng điều kiện ra báo dễ dãi hơn ở Nam Kỳ, Xứ ủy Đảng cộng sản Đông Dương Trung Kỳ chuyển hướng ra Báo Dân Tiến đặt trụ sở tại Sài Gòn, do Huỳnh Văn Thanh làm Quản lý, Lưu Quý Kỳ làm Thư ký Tòa soạn mà thực chất là do đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo để tiếp tục xu hướng đấu tranh của Báo Dân. Bài vở đều chuẩn bị ở Huế, đưa vào Sài Gòn in tại nhà in Bảo Tồn, phát hành ở Sài Gòn, Huế và các tỉnh miền Trung, số 01 ra ngày 27/10/1938 đã tố cáo trường hợp Báo Dân ở Huế bị rút giấy phép một cách vô lý, chuyên quyền. Báo chỉ ra được 5 số, sau số 5, ngày 12/12/1938, Báo Dân Tiến bị đóng cửa. Xứ ủy Trung kỳ lại tiếp tục ra Báo Dân Muốn, trụ sở tòa soạn đặt tại Sài Gòn, nhưng nội dung bài vở được chuẩn bị tại Huế, báo do Phan Văn Tạo đứng tên Chủ nhiệm, Lưu Quý Kỳ là Thư ký tòa soạn và đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn thay mặt Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo. Số 01 ra ngày 20/12/1938, nhưng sau số 02, ngày 25/1/1939, Báo Dân Muốn bị cấm.

Trong 3 năm, từ năm 1937-1939, ở Huế xuất hiện liên tục các tờ Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn, Sông Hương Tục Bản, Dân, Dân Tiến, Dân Muốn, hun đúc nên những khuôn mặt nhà báo, nhà văn lừng lẫy, những chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng, như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Hải Triều, Nguyễn Khoa Văn, Hoài Thanh, Lê Đình Thám. Riêng Báo Dân có hẳn một Ban Biên tập hùng hậu: đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Ủy viên Trung ương Đảng, đồng chí Bùi San, Xứ ủy viên Trung Kỳ, nhà văn Hải Triều, phụ trách Tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên, nhà báo Hải Thanh, nhà thơ Trịnh Xuân An, nhà báo Lâm Mộng Quang, nhà giáo Tôn Quang Phiệt và nhà thơ Tố Hữu…

Báo Dân là tờ báo công khai khổ lớn đầu tiên ở Huế và của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Trung Kỳ. Việc tận dụng thời cơ được hoạt động công khai, hợp pháp và bằng các hoạt động linh hoạt, phong phú, Báo Dân đã đoàn kết, động viên, giác ngộ chính trị cho hàng vạn quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chính trị rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, qua đó góp phần làm nên cuộc cách mạng vĩ đại của nhân dân Thừa Thiên Huế anh hùng, góp phần quan trọng vào thành quả chung của báo chí cách mạng Thừa Thiên Huế và miền Trung.

Báo Dân đã góp phần quan trọng vào thành quả chung của báo chí cách mạng Thừa Thiên Huế và miền Trung, làm nên diện mạo của một nơi từng là trung tâm báo chí của cả nước. Khẳng định vai trò của Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm về quản lý và phát huy vai trò định hướng của báo chí vẫn luôn là vấn đề có ý nghĩa thời sự.

TS. Nguyễn Thái Sơn

(UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Chiều 16.12, tại TP. Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Hơn 50 phóng viên, biên tập viên được tập huấn báo chí số

Ngày 25/11, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí với chủ đề: “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia”.

Hơn 50 phóng viên, biên tập viên được tập huấn báo chí số
Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

Thông tin trên được Văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết vào ngày 7/11, khi lãnh đạo huyện vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Kinh phí đầu tư dự án (DA) này là 1,695 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục
Return to top