Ngày 8/9, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật (Thông báo số 20-TB/TW). Ảnh: TTXVN
Trong công tác cán bộ thì lãnh đạo giữ chức vụ “có lên, có xuống, có vào, có ra” là quy luật bình thường. Vậy nhưng hiếm khi có cán bộ tự nguyện từ chức hoặc chủ động xin nghỉ khi không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỷ luật, mất uy tín. Trong nhiệm kỳ khóa 12 đã có hàng trăm cán bộ (có nhiều lãnh đạo cấp cao) bị kỷ luật, nhưng hầu như không có ai tự giác từ chức, trừ một số bị miễn nhiệm, điều chuyển. Tình trạng đó đã gây thắc mắc, bức xúc trong cán bộ, Nhân dân khi lãnh đạo bị kỷ luật vẫn được “tại vị” hoặc điều đi nơi khác, có khi còn giữ chức vụ cao hơn. Từ chức trở thành chuyện “bất thường”, “hiếm gặp”, dù không còn đủ uy tín nhưng nhiều người vẫn cố “giữ ghế” đến cùng, khi cấp trên có ý kiến mới miễn cưỡng “tự nguyện”. Bệnh cố hữu đó hình thành từ tư duy cũ, trở thành một “cố tật” thấm sâu ý thức nhiều người khi đã ngồi vào ghế quyền lực. Có những người dù bị kỷ luật nặng, gây nên điều tiếng xấu vẫn cố bám giữ bằng cách im lặng, né tránh dư luận, hậu quả là cơ quan, đơn vị ở đó bị đình trệ, tập thể chia rẽ, quần chúng mất niềm tin.
Quy định của Đảng là phải chấp hành, nhưng khi một cán bộ cụ thể nào đó từ chức, cho nghỉ công tác không phải dễ. Ngay khi đã bị khởi tố, xét xử ra trước tòa có người cố níu kéo bằng việc đưa ra những bằng khen, huân chương, nêu thành tích của bản thân, gia đình... để mong được giảm tội. Nhiều người nuối tiếc, không tự xác định rời vị trí khi đã quen chức quyền và những khoản bổng lộc được hưởng mà không áy náy với khuyết điểm, sai lầm đã gây ra. Có không ít người tỏ ra công thần đưa ra thành tích, công lao đóng góp để “mặc cả” với tổ chức hoặc có thái độ tiêu cực khác. Sẽ khó cho tổ chức nếu bệnh “công thần” nổi lên, với những đòi hỏi quyền lợi vượt quá quy định. Mặt khác, quy định người còn thời gian công tác trên, dưới 5 năm mới đến tuổi nghỉ hưu sẽ có vướng mắc khi chưa đủ thời gian công tác, chưa đóng đủ bảo hiểm sẽ bị thiệt thòi về chế độ khi nghỉ. Cho nên không ai muốn về nghỉ sớm.
Có 2 khả năng có thể xảy ra: Xin nghỉ chờ, giữ nguyên chế độ đến khi đủ tuổi, đóng đủ bảo hiểm và có thể chấp nhận bị hạ một cấp để tiếp tục làm việc. Trường hợp thứ hai sẽ nhiều vì thời gian trên, dưới 5 năm là rất dài, không ai muốn chịu thiệt, trừ khi bị bắt buộc. Khi đã “chấp nhận” ở lại làm việc, không còn quyền lực thì khó nói là còn nhiệt huyết, hăng say, nhiều khi còn là “cái gai” cho cơ quan tiếp nhận. Tính nhân văn, mở đường cho những người bị sai phạm, kỷ luật sau thời gian khắc phục khuyết điểm vẫn được đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm là cần thiết. Nhưng tỷ lệ này sẽ rất ít, vì những người giữ chức vụ cao thường đã lớn tuổi, sức khỏe giảm, lại tự ti bị kỷ luật sẽ khó lòng phấn đấu, làm việc hết mình như ban đầu. Văn hóa phương Đông ở ta thường là tôn trọng cấp trên, người có chức sắc nên nhiều khi vị nể, không muốn cho là “cạn tàu ráo máng” dễ phát sinh những bất cập khó lường. Đó là những khó khăn, vướng mắc cho thực hiện quy định cán bộ nghỉ việc sau khi bị kỷ luật.
Thông báo 20 đã quy định làm cơ sở, “cẩm nang” cho những người bị kỷ luật tự suy nghĩ về bản thân. Bởi vì, từ chức chính là cuộc đấu tranh với chính mình khi phải từ bỏ danh vọng, quyền lợi cá nhân. Mỗi cán bộ cần nhận thức để có xử sự đúng đắn trên tinh thần tự nguyện, tự giác và trách nhiệm nêu gương cao. Để được tôn trọng khi không còn đủ uy tín thì nên “dừng lại”, “nhường ghế” và tự nguyện “rút lui” trong danh dự. Đó là cách tốt nhất vừa thể hiện văn hóa ứng xử, vừa là chấp hành kỷ luật của người đảng viên. Làm được điều đó phải xuất phát từ lòng tự trọng, nhân cách, vì trách nhiệm đối với tổ chức, giữ uy tín cho Đảng.
Từ các quy định nêu trên cũng nên mở rộng quy định với tất cả cán bộ, không chỉ với những cán bộ bị kỷ luật. Thông báo 20 chỉ mới quy định trong cán bộ lãnh đạo do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cần được mở rộng để hình thành các quy định tương tự đối với lãnh đạo các cấp trong hệ thống chính trị. Công tác tuyên truyền không chỉ bó hẹp trong Đảng mà phải được lan tỏa trong cán bộ, Nhân dân để ủng hộ và phát hiện những trường hợp thực hiện không đúng. Từ đó, làm cho cán bộ lãnh đạo, quần chúng nhân dân hiểu, không xem từ chức là quá nặng nề mà cần đồng cảm, tạo điều kiện cho lãnh đạo khi nghỉ tự tin, hòa nhập. Cán bộ khi về với đời thường có điều kiện suy ngẫm về sai lầm, khuyết điểm, làm bài học giáo dục con cháu, sống “tử tế”, hướng thiện.
Đa số cán bộ, Nhân dân cho rằng đã đến lúc phải xem từ chức, “nhường ghế” là nét văn hóa, sự tự trọng và trách nhiệm của người lãnh đạo. Kết luận trong Thông báo 20 là một bước đột phá mới, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và là một quy định cần thiết nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Cần xem đây như là một “tập quán”, ứng xử văn hóa mới của người cán bộ lãnh đạo.
NGUYỄN AN HÒA