ClockThứ Năm, 30/05/2019 15:05

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ lợi ích nhóm

Sáng 30/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Đánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưuNhóm ngành kiến trúc: Nhiều tiềm năng, ít người biếtKỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến 3 dự án Luật5 nhóm vấn đề 'nóng' tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIVTuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIVViệt Nam đóng góp tích cực vào hoạt động của Liên hợp quốc

Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tại phiên hợp ngày 30/5. Ảnh: Ban ảnh - TTXVN

Nhìn về bức tranh kinh tế, ngân sách năm 2018, các đại biểu cho rằng đây là bức tranh đẹp, toàn diện. 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách vượt dự toán, Trung ương vượt thu sau 3 năm liên tiếp hụt thu; bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép.

Đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ đã thẳng thắn khi nhận định mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ; khu vực nông nghiệp tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững; tính gia công trong sản xuất công nghiệp còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp bên ngoài; trình độ công nghệ sản xuất vẫn vào loại thấp so với thế giới và khu vực; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực dịch vụ phát triển còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cần quan tâm đến các hộ kinh doanh cá thể

Băn khoăn về vấn đề phát triển doanh nghiệp, các đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Trần Tất Thế (Hà Nam)... cho rằng, doanh nghiệp là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, động lực quan trọng để tăng trưởng. Số liệu cho thấy, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đều tăng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đưa ra số liệu, năm 2018, có 165 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động thì có tới 90 ngàn doanh nghiệp dừng hoạt động; cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có hơn 5 doanh nghiệp rời thị trường. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98,3% số doanh nghiệp cả nước. Trong tổng số doanh nghiệp kê khai, chỉ có 40% doanh nghiệp có lãi… “Như vậy, năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp còn thấp, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn”, đại biểu nói.

Cho rằng số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động rất cao, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và lớn, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhìn nhận đây là thực trạng phản ánh tình hình không thuận trong môi trường đầu tư do cơ chế chính sách.

Đại biểu chỉ ra rằng, việc khuyến khích chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh lên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kết quả rất thấp. Qua tìm hiểu lý do, nhiều hộ cho rằng, nếu là hộ kinh doanh cá thể thì thuế đóng ít hơn, lên doanh nghiệp phải thuế đóng nhiều hơn.

“Để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, theo tôi cần quan tâm đến các hộ kinh doanh cá thể”, đại biểu Nguyễn Thị Phúc nhận định và đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá sâu, kỹ thực trạng, tình hình, nguyên nhân, đề ra giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể còn cao và việc chuyển hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam - Trần Tất Thế phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đề cập đến khía cạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành.

Trong số hơn 5.000 điều kiện kinh doanh, đến nay đã có 542 điều kiện được sửa đổi, 771 điều kiện được bãi bỏ, 111 điều kiện được thay thế. Tính ra có 30% số điều kiện đã được cắt bỏ và sửa đổi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, kết quả cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam còn rất chậm và chưa đi vào thực tế, thực chất. Nhiều nội dung sửa đổi điều kiện  kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý chứ không phải cắt giảm thực sự. Nhiều nơi đã đạt và vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh, nhưng nội dung cắt giảm cũng như hiệu quả cắt giảm vẫn còn là vấn đề đặt ra.

“Với mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, sẽ khó khăn thực hiện khi mà những doanh nghiệp cá thể không mặn mà với việc thành lập doanh nghiệp do thủ tục phiền hà, phức tạp”, theo đại biểu.

Từ phân tích trên, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) đề nghị Chính phủ cần tạo điều kiện quyết liệt hơn nữa về vấn đề này, trong đó cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền với áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức cá nhân; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan. Năm 2019, giảm ít nhất 50% mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phải kết nối Cơ chế một cửa quốc gia.

Chưa xử lý triệt để một số vướng mắc liên quan đến cổ phần hóa

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại biểu ghi nhận trong những năm qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các doanh nghiệp nhà nước được cơ cấu lại đã tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, thực hiện vai trò, nhiệm vụ làm nòng cốt điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên. Ngân sách nhà nước cũng thu được nguồn vốn đáng kể phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khẳng định những kết quả tích cực nêu trên, song đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Lắk) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, đó là việc phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương chậm, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch; còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, hoặc giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, còn vi phạm. Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra.

Năm 2018, cả nước phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng thực tế chỉ đạt hơn 17%, với 12 doanh nghiệp hoàn thành; 35 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, chiếm 55%; 12 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang thực hiện năm 2020, chiếm 23%, và 6 doanh nghiệp không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ ra những nguyên nhân khách quan tồn tại lâu nay, đó là nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa có quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản nhà nước nên việc xác định giá trị doanh nghiệp gặp khó khăn.

Một số quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, thời gian thực hiện dài, nhất là về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, công tác xác định giá trị doanh nghiệp bảo đảm tối đa lợi ích của nhà nước… dẫn đến quy trình, thời gian thực hiện kéo dài hơn.

Các quy định về cổ phần hóa chưa được xử lý triệt để (một số vướng mắc liên quan đến các nội dung về xác định giá trị doanh nghiệp - xác định giá trị đất và tài sản, sắp xếp và xử lý đất đai…), dẫn đến thời gian xây dựng phương án cổ phần hóa kéo dài, không hoàn thành đúng kế hoạch được giao.

“Ngoài những nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ.

Còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại cổ phần hóa thoái vốn, gây bức xúc dư luận. Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm, nhưng việc xác định và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa được kịp thời”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu.

Chỉ rõ việc cổ phần hóa còn thiếu công khai, minh bạch, có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật, đại biểu dẫn hàng loạt những sai phạm cụ thể trong quá trình cổ phần hóa, như Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinalines chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ, để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn, không đúng với đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bộ đã ban hành 2 văn bản cho phép Vinalines bán cho Công ty Hợp Thành 75,01% cổ phần tại cảng Quy Nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ hủy bỏ 2 văn bản và kiến nghị số cổ phần này.

“Đây là sự vi phạm từ phía cơ quan quản lý là chính, nếu loại trừ yếu tố câu kết của doanh nghiệp với cơ quan quản lý, lợi ích nhóm, sẽ thấy ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, theo đại biểu.

Ví dụ thứ hai đại biểu nêu là cổ phần hóa Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), quá trình cổ phần hóa có nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến sau khi cổ phần hóa khó thu hồi khoản nợ cho ngân sách.

Hay quá trình cổ phần hóa Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), sau thoái vốn nhà nước, các nhóm cổ đông có những tranh chấp lợi ích dẫn đến kiện cáo ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Có thể thấy với cách làm trên đây đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, thương mại, góp phần làm chậm quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị, thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước phải công khai, minh bạch; đồng thời có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện việc cổ phần hóa cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga

Theo Đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, chiều tối 8/9 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã gặp gỡ đội ngũ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nga.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga
Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản

Trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết (NQ) của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản
Return to top