ClockThứ Tư, 24/08/2022 14:58

Cán bộ xin nghỉ việc: Dấu hiệu không bình thường?

TTH - Không làm được việc, không làm đúng sở trường… nghỉ việc cơ quan Nhà nước là chuyện bình thường. Thế nhưng có nhiều cán bộ, viên chức xin nghỉ việc thời gian gần đây là không đúng với xu hướng lâu nay.

Có một thời gian dài người ta “chen nhau” xin vào làm trong cơ quan Nhà nước, ít nhất cũng được hợp đồng hoặc cao hơn là vào biên chế. Những người có trình độ đại học, cao đẳng phải xin cho bằng được cơ quan Nhà nước dù mức lương thấp, không phù hợp với sở trường, ngành nghề đã học. Dù sao cũng may mắn hơn là có việc làm ổn định, không sợ thất nghiệp, lâu dài còn được thăng tiến và ít nhất cũng có đồng lương ổn định. Chẳng thế mà mỗi khi có thông báo tuyển dụng thì hồ sơ đăng ký chất chồng, phải xét tuyển qua nhiều vòng, nhiều cấp, người bị loại không phải ít. Đó là chưa kể những tiêu cực phát sinh từ “chạy”, “gửi gắm”, “tác động”, “bổ sung chỉ tiêu”, đến tệ nạn “con ông cháu cha”...

Vậy tại sao mới từ năm 2020 đến nay lại có tình trạng xin nghỉ việc dù không phải tinh giản biên chế. Riêng TP. Hồ Chí Minh có 676 công chức, 5.500 viên chức xin nghỉ việc. Nhiều nhất là ngành y tế, giáo dục, cán bộ phường xã và cán bộ một số ngành hành chính khác (theo báo cáo của Bộ Y tế có trên 9.000 cán bộ là bác sĩ, y tá, điều dưỡng xin nghỉ việc). Tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương với mức độ khác nhau, nhưng ở TP. Hồ Chí Minh (địa phương năng động nhất nước) là biểu hiện không bình thường.

 Đây không còn là vấn đề địa phương mà nhìn rộng ra thuộc tầm quốc gia, ảnh hưởng đến an sinh, xã hội, chính sách và nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển. Từ đầu năm 2020 đến nay do dịch COVID-19, cán bộ y tế, nhất là cán bộ trực tiếp điều trị, y tế dự phòng phải làm việc căng thẳng, sức khỏe suy giảm, nguy cơ nhiễm bệnh cao, trong điều kiện thiết bị bảo hiểm thiếu, đe dọa an toàn sức khỏe, tính mạng; chế độ bồi dưỡng ít, chủ yếu từ quỹ công đoàn hoặc nguồn từ thiện xã hội, hỗ trợ từ Nhà nước chi giải ngân chậm. Trong khi đó, các cơ sở ngoài Nhà nước với cơ chế thông thoáng, ưu đãi đã thu hút lượng lớn cán bộ có tay nghề, có chất xám từ khu vực công chuyển sang. Các khoản lương, các khoản phụ cấp, làm ngoài giờ, chính sách đề bạt, chế độ bảo hiểm... có sức hấp dẫn cao, thậm chí hơn nhiều lần chế độ của Nhà nước.

Ở nhiều doanh nghiệp tư nhân đánh giá theo sản phẩm nên chế độ lương bổng rõ ràng, tay nghề càng cao mức lương được tăng lên theo mức độ đóng góp. Ở cơ sở cấp phường, xã dù thang bậc lương có khá hơn trước đây, nhưng mặt bằng chung còn thấp, không đủ cho chi phí sinh hoạt, đời sống trong khi giá cả, nhu cầu tăng cao. Nhiều người đã bỏ ra kinh doanh bên ngoài là “bất khả kháng”, chưa giàu nhưng cũng đã giải quyết được phần nào khó khăn hiện tại, thu nhập khá hơn so với mức lương ngạch bậc đang hưởng.

Hầu hết cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ hiện nay phần lớn không giữ chức vụ, mức lương không cao, bị áp lực công việc. Thực trạng đó là hệ quả tất yếu từ chính sách cải cách tiền lương đang bị chậm do dịch COVID-19, mức lương không theo kịp tình hình kinh tế, xã hội. Số có tay nghề cao không có điều kiện làm thêm ngoài giờ lại bị áp lực công việc, ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu nhập. Hơn nữa, cơ chế cào bằng giữa người có trình độ, tay nghề cao với số làm hành chính, chưa có khuyến khích, ưu đãi trong chế độ đối với ngành nghề đặc thù, độc hại, nguy hiểm sức khỏe, tính mạng. Ví dụ bác sĩ học đại học 6 năm, phải học nội trú, học bổ sung chứng chỉ hành nghề nhưng hệ số lương cũng chỉ xếp ngang với kỹ sư, cử nhân khác. Chưa kể số du học nước ngoài về có bằng cấp giỏi, có trình độ chuyên sâu cũng được xếp cùng bậc như học ở các trường đại học khác. Cùng làm công việc hành chính nhưng có sự cách biệt, chế độ ngạch lương chênh lệch lớn giữa cán bộ cơ quan hành chính cấp trên với cán bộ cấp phường, xã… Những nguyên nhân đó từ cơ chế chung của Nhà nước đã tác động trực tiếp, trước mắt đến số cán bộ trong khu vực công.

Nói là bất thường vì có nhiều cán bộ ở khu vực công xin nghỉ việc, nhưng xét cho cùng đó là quy luật bình thường trong môi trường kinh tế thị trường đang chi phối bởi cung - cầu, giá trị sức lao động, quy luật phát triển. Số người xin ra khỏi cơ quan Nhà nước trong thời điểm hiện nay nhiều hơn so với mặt bằng chung là dấu hiệu không bình thường. Nhưng xem xét cụ thể thì chủ yếu là số bác sĩ, nhân viên y tế, giáo viên mầm non, cán bộ chính quyền cấp cơ sở và một số có trình độ, tay nghề cao... xuất phát từ nguyên nhân nêu trên. Ngược lại, tình trạng “chạy” vào làm việc trong cơ quan hành chính công, chạy vào biên chế nhà nước vẫn còn diễn ra khá “sôi động”, chưa có dấu hiệu giảm.

Vấn đề chính trước mắt hiện nay là giải quyết những vướng mắc trong thực hiện chế độ ưu đãi và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với công chức, viên chức trong các ngành nêu trên và đối tượng bị ảnh hưởng trong suy giảm kinh tế. Về lâu dài, xem đây là tín hiệu cảnh báo cần thiết để đánh giá, xác định chủ trương tinh giản biên chế của chúng ta. Đối tượng tinh giản, con người cụ thể phải được làm trên tinh thần khách quan, công tâm, chọn cán bộ công vụ có tài và đức thực chất. Đây là vấn đề mấu chốt để “giữ chân” những người có chất xám, có trình độ, tay nghề cao trong khu vực công; xử sự hài hòa, bình đẳng trong chính sách khuyến khích khu vực tư nhân có đóng góp nhiều cho xã hội.

Về lâu dài, cần sớm thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa 12) đã đề ra. Đặc biệt là Nghị quyết 18-NQ/TW: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Các nghị quyết đã chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho giai đoạn trước mắt và lâu dài cho nên từ chủ trương của Đảng đến lộ trình, giải pháp phải đồng bộ, phù hợp, khả thi, có bước đi vững chắc nhằm giải quyết căn cơ về công tác tổ chức, cán bộ. Những định hướng đó sẽ tác động trực tiếp đối với nền kinh tế, an sinh xã hội, lành mạnh bộ máy công vụ mà chúng ta đang từng bước xây dựng.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều động, bổ nhiệm lãnh đạo các sở

Sáng 28/11, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Phó Giám đốc Sở Y tế và Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh.

Điều động, bổ nhiệm lãnh đạo các sở
Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy

Ngày 21/11, Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh do PGS.TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện CTQG Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thị ủy Hương Thủy về công tác cán bộ nữ.

Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy
Tạo nguồn cán bộ cho giai đoạn phát triển mới

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết, các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị, đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, cách làm phù hợp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, bảo đảm phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Tạo nguồn cán bộ cho giai đoạn phát triển mới
Return to top