ClockThứ Ba, 26/12/2017 05:46

Cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm

TTH - Nhằm đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường và ngăn chặn mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng dịp cuối năm, ngành công thương và các doanh nghiệp bắt tay triển khai nhiều giải pháp.

Doanh nghiệp bình ổn giá thị trường Tết được vay lãi suất 4%/nămCác địa phương phải báo cáo tình hình hàng hóa Tết hằng ngàyXiết chặt quản lý hàng nhập ngoại dịp TếtThị trường Tết: Không lo khan hàng, đội giá

Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm

Không để hụt hàng, tăng giá

Năm 2017, Siêu thị Big C Huế dự trữ khoảng 62 tấn hàng thiết yếu như dầu ăn, đường, gạo… , đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu dùng.

Năm 2018, siêu thị này tăng lượng hàng dự trữ lên 15% so với năm 2017, cam kết không tăng giá và áp dụng giảm giá một số mặt hàng thiết yếu trong thời gian cuối năm, nhất là khoảng 45 ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Các siêu thị, DN chủ động dự trữ lượng hàng hóa đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm

Siêu thị Co.Opmart Huế dự trữ 80 tấn hàng thiết yếu và hưởng ứng công tác bình ổn giá với cam kết cung ứng hàng tốt, giá tốt. Chính nhờ chủ động nguồn hàng và áp dụng các chính sách bình ổn giá, doanh số năm 2017 của Siêu thị Co.Opmart Huế tăng 20% so với năm 2016 và dự kiến tăng từ 15-25% năm 2018.

Công ty TNHH TM Thái Đông Anh, nhà phân phối lớn có mạng lưới cung cấp hàng hoá về các chợ truyền thống, đại lý, cửa hàng bán lẻ trên toàn tỉnh chủ động dự trữ nhiều loại mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị trên 20 tỷ đồng. Nhờ có đội xe lưu động chuyên phân phối, nên từ nhiều năm nay, doanh số bán ra của đơn vị luôn tăng và thị phần chủ yếu là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Theo quy luật hàng năm vào tháng giáp Tết Nguyên đán, thị trường tiêu dùng hàng hóa sẽ sôi động. Với nguồn cung hàng hóa, lương thực, thực phẩm dồi dào, giá cả dự báo tăng không đáng kể, chỉ tăng khoảng 5-10% so với các tháng trong năm. Đối với các mặt hàng thiết yếu như: lương thực (gạo, nếp), thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản… dự báo những ngày cận tết có thể tăng bình quân từ 10-15% so với cùng kỳ. Các chợ lớn như Phú Hậu, Đông Ba… cam kết vận động tiểu thương dự trữ hàng hoá đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân với các mặt hàng chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá và bán đúng giá.

Riêng chợ Phú Hậu hằng ngày đảm bảo từ 150-200 tấn hàng rau củ quả và số lượng này tăng lên 50-100% kể từ khoảng giữa tháng 12. Với đặc thù là chợ đầu mối, bán sỉ nên giá cả ổn định, không tăng trong dịp tết. Chợ Đông Ba có hơn 2.700 lô gồm nhiều ngành hàng cũng là nơi cung ứng đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm.

Đưa hàng chất lượng đến tay người tiêu dùng

Ông Phạm Văn Trai, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại- Sở Công thương cho rằng, bây giờ, người dân các vùng nông thôn, vùng sâu xa muốn mua hàng gì đều có sẵn nhờ hệ thống phân phối hoạt động mạnh và nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các chuyến xe lưu động phân phối hàng hóa thiết yếu tỏa khắp các vùng, miền.

Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là chi tiêu tiết kiệm, chọn mua những loại sản phẩm thiết yếu có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp. Đối với mặt hàng tươi sống, lương thực thực phẩm, người dân nhắm đến sản phẩm an toàn, có chứng nhận VietGap... Các cơ quan liên quan đều tăng cường tập trung kiểm tra, kiểm soát cũng như tuyên truyền vận động từ nhà sản xuất đến đơn vị kinh doanh, phân phối cam kết kinh doanh sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, bán đúng giá.

Theo ông Dương Đắc Hoan, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường, cuối năm là thời điểm nhu cầu mua bán tăng cao, khả năng hàng giả, hàng kém chất lượng được trà trộn với hàng thật tung ra thị trường khá lớn, nên đơn vị sẽ phối kết hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát về giá, đo lường, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các đội quản lý thị trường tại cơ sở sẽ được huy động ra quân để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm…

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường

Hiểu được quy luật "ở đâu có dòng người, ở đó có dòng tiền", các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngày càng khai thác tối đa nhiều kênh bán hàng khác nhau để tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường
Siết chặt quản lý thị trường bất động sản

Thời gian qua, giá bất động sản (BĐS) tăng cao, khiến cho thị trường vừa mới hồi phục đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn tình trạng “thổi giá”, gây nhiễu loạn thông tin, tránh để người dân trở thành nạn nhân của những đợt sốt đất ảo đã từng diễn ra.

Siết chặt quản lý thị trường bất động sản
Du lịch Huế phát triển thị trường khách quốc tế

Trong bức tranh sáng của du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, du lịch Huế góp thêm những gam màu sáng về tăng trưởng mạnh lượng khách quốc tế và mở rộng các thị trường khách nước ngoài.

Du lịch Huế phát triển thị trường khách quốc tế

TIN MỚI

Return to top