Điều này không khó để bắt gặp ở các tuyến đường ven các chợ, các khu dân cư đông đúc; các nhà hàng, quán ăn, cà phê, giải khát…
Việc đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè vẫn luôn là vấn đề thời sự. Điều trăn trở nhất là những người lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng rong hầu hết là những người nghèo. Đằng sau gánh hàng rong là cuộc sống của một gia đình; trong đó, có không ít những đứa trẻ ở nhà trong ngóng “thành quả” từ gánh hàng rong của mẹ đi chợ về. Cho nên, những hình ảnh của một vài trường hợp người thực thi công vụ tịch thu hay làm hư hỏng hàng hóa của người bán hàng rong bị đưa lên mạng xã hội thường bị phản ứng gay gắt từ dư luận. Có cán bộ phải chấp nhận bỏ việc vì không thể mạnh tay với hàng rong.
Tại buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Tân Sửu do UBND TP. Huế tổ chức mới đây, ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế cũng thừa nhận, những người thực thi công vụ trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng rong, ai có cảm xúc thì không thể làm được; ngược lại những ai quyết tâm để thực thi công vụ, hành động một cách vô cảm cũng không ổn… Điều này cho thấy sự trăn trở của lãnh đạo địa phương trong lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, nhất là xử lý tình trạng buôn bán hàng rong.
Tại các nhà hàng, quán ăn, cà phê, giải khát…, tình trạng trẻ em được người lớn chở đến dừng ở đầu xa, để các em vào quán bán hàng; hay một số người trẻ lành lặn đẩy theo một người già, người khuyết tật vào bán vé số, đậu lạc, xoài, kẹo, tăm… đang diễn ra phổ biến. Lực lượng này khá hùng hậu, đi khắp nơi, đến các bàn của khách mời chào, năn nỉ, hết lượt này đến lượt khác… khiến khách hàng rất khó chịu.
Ngày 16/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã ban hành Công văn số 12871 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn, bán hàng rong trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Huế, các thị xã và các huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương rà soát, nắm tình hình đưa các đối tượng lang thang, ăn xin, không có nơi ở ổn định vào chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Đồng thời, các địa phương cần điều tra, xử lý các đối tượng trục lợi người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và đối tượng yếu thế bán hàng rong, xin ăn theo quy định hiện hành. Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 127 về việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, tình trạng lợi dụng trẻ em, người già, người khuyết tật để bán hàng rong vẫn chưa giảm…
Trong nhiều giải pháp đưa ra thì việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bán hàng rong cũng như ba mẹ của các em buôn bán hàng rong là giải pháp bền vững hơn cả. Bên cạnh đó, cần điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng trẻ em, người già, người khuyết tật để trục lợi, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và lành mạnh.
Đặng Thành