Xây dựng chuỗi giá trị, sản phẩm theo quy hoạch để các sản phẩm của kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đi chính ngạch vào các thị trường khó tính… là định hướng, yêu cầu trong phát triển KTTT, HTX, được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành luật HTX năm 2012, được tổ chức ngày 15/2 vừa qua.
Tôi từng chứng kiến không khí làm việc của các HTX nông nghiệp ở cả hai miền Bắc - Nam, trước và sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày đó, hầu hết nông dân tham gia HTX. Đất đai, trâu bò, máy móc… đều do HTX quản lý. Xã viên làm việc theo kẻng, điểm danh ghi công, còn kế hoạch sản xuất ra sao, hiệu quả thế nào thì đã có ban quản trị HTX lo. Kiểu làm việc “công vua, ngày trời” như vậy chả trách có nơi một ngày công lao động chỉ được vài lạng thóc, HTX ngày càng teo lại.
Từ khi khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý nông nghiệp, ban hành năm 1988), đã tạo cú hích mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp, khi hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất mà mức khoán lâu dài. Chỉ sau 1 năm, từ chỗ thiếu lương thực, nước ta đã tự chủ lương thực và tiến tới xuất khẩu. Với cách khoán mới này, tất nhiên vai trò của HTX cũng thay đổi. Từ tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm, nay các HTX chuyển sang làm vai trò “bà đỡ” cho nông hộ, chủ yếu là dịch vụ tưới tiêu, phân, giống, nhưng hiệu quả thấp, vai trò HTX cũng mờ nhạt.
Với Luật HTX năm 2012, các HTX được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, với thực lực yếu về nhiều mặt, từ đội ngũ quản lý, nhân lực đến vốn liếng, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật… các HTX vẫn chủ yếu làm dịch vụ cho nông hộ, còn việc tổ chức, dẫn dắt xã viên trong quá trình sản xuất hạn chế; chỉ một số ít HTX tạo bứt phá phát triển, còn đa phần hoạt động kém hiệu quả. Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 của trên 300 HTX trên địa bàn tỉnh (trong đó HTX nông nghiệp chiếm trên 200 HTX), doanh thu chỉ 3,3 tỷ đồng/HTX (toàn quốc 4,3 tỷ đồng), lợi nhuận 150 triệu đồng (toàn quốc 413 triệu đồng) và thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX cũng chỉ ước đạt 32 triệu đồng… Điều này cho thấy, hiệu quả hoạt động của các HTX rất thấp và HTX ở Thừa Thiên Huế còn thấp hơn so với bình quân cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, mặt nước, nhân lực hiện có.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, bên cạnh mở ra nhiều cơ hội cho các ngành, thành phần kinh tế tham gia sâu rộng vào các thị trường thì sự cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt. Nếu trước đây, người nông dân sản xuất những cái gì mình biết, bán cái mình có, thì hiện nay phải sản xuất theo tín hiệu thị trường và bán những sản phẩm đạt yêu cầu của từng thị trường khác nhau. Đặc biệt, trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, phải sản xuất theo quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm…
Với yêu cầu mới này, rõ ràng với từng nông hộ sẽ gặp nhiều khó khăn từ tìm hiểu nhu cầu, kết nối thị trường đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tổ chức vùng sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn mác… Câu chuyện hàng nghìn xe nông sản xuất khẩu tiểu ngạch ùn ứ ở các cửa khẩu phía bắc đã, đang tiếp tục lặp lại cũng bắt nguồn từ việc sản xuất kiểu mạnh ai nấy làm, vai trò dẫn dắt, tổ chức sản xuất, kết nối thị trường của HTX hạn chế.
Vì vậy, việc đưa sản phẩm của KTTT, HTX đi chính ngạch vào các thị trường khó tính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa là yêu cầu, vừa gợi mở hướng đi cho KTTT nói chung, HTX nói riêng. Để làm được điều này, ngoài hoàn thiện cơ chế, chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước, quan trọng nhất vẫn là phát huy nội lực, khơi thông các nguồn lực, gắn quyền lợi và trách nhiệm của HTX, cán bộ HTX với xã viên, phát huy vai trò dẫn dắt của HTX trong hỗ trợ xã viên tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hoàng Minh