Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng. Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Những điểm đáng chú ý về bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới
Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới.
Nghị định nêu rõ, trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định.
Căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm. Mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.
Về thời hạn bảo hiểm, Nghị định quy định đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 01 năm và tối đa là 03 năm.
Thủ tướng khen tỉnh Bến Tre và Cổng TTĐT Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có thư khen tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các đơn vị liên quan tổ chức thành công lễ phát động trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN nhỏ và vừa
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025.
Chương trình được phê duyệt nhằm: 1- Triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; 2- Định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; 3- Nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Các xã, thôn vùng dân tộc thiểu số tiếp tục hưởng chính sách an sinh xã hội
Thủ tướng Chính phủ quyết định các xã, thôn trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Cụ thể, các xã, thôn được phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 và Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành kể từ ngày 1/1/2021 đến khi Quyết định phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 của cấp có thẩm quyền được ban hành và có hiệu lực.
Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục ứng phó với biến đổi khí hậu
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị.
Nhiệm vụ, giải pháp chung của Chương trình là nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường giám sát thực thi pháp luật trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;...
Tiếp tục giải ngân tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Quyết định 02/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 30/3/2021.
Cụ thể, sửa đổi khoản 1 Điều 10 của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo: Bỏ mốc thời gian “được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31/12/2020”.
Nghiên cứu kỹ phương án truy xuất nguồn gốc cây đào
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và yêu cầu các Bộ, địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng phương án truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai.
Theo baochinhphu.vn