ClockThứ Hai, 13/01/2020 14:22
Tiến tới Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng

Chống biểu hiện cơ hội chính trị trước thềm đại hội Đảng

TTH - Cùng với những tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên thì biểu hiện cơ hội chính trị là một trong những nguyên nhân của mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.

Chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp: công tác nhân sự được đặt lên hàng đầuĐại hội điểm cấp cơ sở của thị xã Hương TràChủ động nắm bắt dư luận xã hội, góp phần thành công vào Đại hội Đảng các cấp

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. (Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn)

Những biểu hiện

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4  (Khóa XI) đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo kể cả cán bộ cấp cao suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện vô nguyên tắc”. Nhận định đó chưa thể bao quát hết, nhưng đã chỉ ra được những đặc điểm cơ bản làm suy thoái cán bộ, đảng viên - nguồn gốc của  cơ hội chính trị.

Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng, cơ hội chính trị và chống Đảng, Nhà nước là hai phạm trù khác nhau. Nhưng thực tế tính chất đan xen giữa suy thoái phẩm chất dẫn đến suy thoái chính trị, trở thành chống Đảng, Nhà nước ở nhiều trường hợp chỉ là một. 

Năm 2018, Chu Hảo - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng là một điển hình như vậy. Từ thiếu bản lĩnh, tha hóa phẩm chất vì  không đạt được mục đích cá nhân dẫn đến suy thoái chính trị, quay lại chống Nhà nước là khoảng cách rất ngắn. Đó chính là sự nguy hiểm của cơ hội chính trị.

Bản chất của cơ hội chính trị là sa sút lý tưởng nhưng lại tìm cách chui vào Đảng, mang danh cán bộ, đảng viên để tìm cơ hội  “thăng quan tiến chức”. Họ tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân, cho gia đình, dòng tộc. Không ngại lôi kéo bè phái, móc ngoặc với người có quyền, dựa vào lợi thế “tiền tệ” để chạy chức, chạy quyền, cầu danh lợi... Đến khi phát hiện, bị xử lý thì tìm cách chạy tội. Không ít người xem chức vụ gắn với quyền lợi cá nhân là mục tiêu cao nhất, không phải ý thức “phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Họ say mê quyền lực, địa vị; xem như một thứ có thể mua bán tiến thân, khôn khéo luồn lách, nịnh bợ, lấy lòng cấp trên để được giới thiệu, tranh thủ lá phiếu trong mỗi kỳ đại hội. Khi đã có chức vụ thì lợi dụng quyền hạn của mình để tìm cách đưa người thân, “cánh hẩu” vào nắm những chức vụ cao, không muốn sử dụng những người tài - đức, gây mất đoàn kết nội bộ. Khi thực hiện nhiệm vụ, họ lợi dụng mọi cơ hội để đục khoét tiền bạc, bòn rút tài sản của nước, của dân. Đến khi không đạt được mục đích cá nhân sẽ tìm cách quay lại chống Đảng, phản bội Tổ quốc.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII đến nay, Đảng ta đã chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh chống tham nhũng và phòng chống biểu hiện cơ hội chính trị. Đây thực sự là cuộc đấu tranh chống lại những kẻ biến chất nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả của cách mạng. Chưa có thời kỳ nào số cán bộ đảng viên các cấp lại bị kỷ luật cao như vậy. Chỉ tính từ sau Đại hội XII đến tháng 10/2019 đã có 70 cán bộ cấp cao, hơn 53 ngàn cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, 20 cán bộ đương chức và nguyên UVTW, nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, có người từng là Phó Thủ tướng và gần 20 tướng lĩnh lực lượng vũ trang... “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của Nhân dân”. Đó là lời khẳng định, một bài học tổng kết mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong Hội nghị Trung ương 11 (Khóa XII).

Cần có những giải pháp quyết liệt

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhưng có không ít cán bộ lãnh đạo không chăm lo nhiệm vụ chung mà lo chạy chức, chạy quyền vào những vị trí cao trong nhiệm kỳ tới. Điều này đòi hỏi Đảng phải có những giải pháp quyết liệt để đấu tranh loại bỏ.

Thực tiễn đặt ra công tác phòng, chống tệ nạn này là phải tuyên truyền, chỉ rõ, quán triệt đầy đủ từ trong Đảng đến cán bộ, Nhân dân nhận thức về những biểu hiện cơ hội chính trị. Xác định đây là một trong 4 nguy cơ đã được đặt ra từ đại hội giữa nhiệm kỳ lần thứ VII của Đảng (1/1994), trong đó “diễn biến hòa bình” và tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xã hội đan xen tạo ra yếu tố làm mất ổn định trong Đảng. Những dự báo từ Đại hội VII hơn ¼ thế kỷ vẫn nguyên giá trị về cảnh báo trong tình hình hiện nay.

Nhận dạng cơ hội chính trị không khó nhưng lại xuất phát từ chính trong nội bộ, từ những cán bộ lãnh đạo, kể cả cấp cao. Phải xác định rõ đây là cuộc đấu tranh chống “nội xâm”, chống suy thoái đạo đức dẫn đến biến chất từ trong hàng ngũ lãnh đạo. Cần gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái đạo đức với đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” bởi vì suy thoái đạo đức bước sang “hố đen” suy thoái chính trị chỉ là bước chuyển rất ngắn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Không để lọt những người cơ hội chính trị, tham nhũng lọt vào quy hoạch. Chỉ đạo quyết liệt đồng nghĩa với khẳng định trách nhiệm đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, chống mọi biểu hiện cơ hội chính trị. Đó chính là giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh các cấp tựu trường

Hôm nay (26/8), học sinh từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) và giáo dục thường xuyên (GDTX) trên toàn tỉnh chính thức trở lại trường sau thời gian nghỉ hè.

Học sinh các cấp tựu trường
Tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, đẩy nhanh diện bao phủ người dân tham gia BHYT, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra là việc làm cấp bách và đòi hỏi sự đồng lòng, chung tay của cả hệ thống chính trị.

Tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân
Return to top