|
Ghe bãi ngang Phú Hải đã được đưa lên bờ, giằng buộc chắc chắn |
Đã chuẩn bị tốt "kịch bản"
Để chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống, ứng phó bão, ông Trần Thanh Long, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy PCTT –TKCN huyện đã chủ trì hội nghị triển khai các phương án, nghe các địa phương, đơn vị báo cáo cụ thể, chi tiết để có những chỉ đạo sát thực với từng địa phương, đơn vị.
Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang chỉ đạo các địa phương triển khai nhanh chóng phương án di dời toàn bộ người dân nằm trong diện phải di dời, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở… đến nơi an toàn. Các lực lượng có phương án đảm bảo tài sản cho người dân khi di dời.
Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương hướng dẫn việc chằng chống, bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tạm dừng thi công các công trình đang thi công; các địa phương, đơn vị huy động phương tiện, nhân lực chặt tỉa cây xanh có nguy cơ gây mất an toàn trên tất cả các tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt. Trung tâm Y tế Phú Vang chuẩn bị nhân lực, thuốc men để điều trị khi có tình huống xảy ra. Phòng Kinh tế - Hạ tầng chuẩn bị tích trữ lương thực, thực phẩm để đối phó, đồng thời phối hợp kiểm tra hệ thống cầu, cống để có phương án xử lý… “Cần phải tiếp tục tuyên truyền và cảnh báo mức độ nguy hiểm khi có bão trên hệ thống thông tin với tần suất nhiều hơn để người dân biết, tránh chủ quan, mất cảnh giác, tập trung ứng phó với bão, như cơn bão số 4 vừa qua” - Chủ tịch UBND huyện Phú Vang nhấn mạnh.
Theo đó, địa phương phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng, đã kêu gọi tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Huyện cũng lên phương án di dời dân để đối phó với bão kết hợp lũ lụt, nước dâng do bão. Đồng thời, lên kế hoạch di dân trong tình huống bão, kết hợp lũ. Các địa phương cũng đã chuẩn bị phương tiện, lực lượng, vật tư, ứng phó, phân công các lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, các công trình trường học, chặt tỉa cây cối có nguy cơ gãy đổ…
Sẵn sàng ứng phó tốt trong mọi tình huống
Phú Vang có nhiều địa bàn ven biển, đầm phá với một trong những “mũi nhọn” kinh tế là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Trước thiên tai, bão lũ nói chung, trước cơn bão số 4 nói riêng, cùng với chủ động các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, Phú Vang đã rất chủ động trong công tác nuôi trồng thủy sản. Thực hiện chỉ đạo của huyện, từ trước cơn bão số 3, những địa phương có diện tích nuôi trồng đã thu hoạch thủy sản gần hết. Trong đó, xã Vinh Thanh (diện tích nuôi trồng gần 50ha) đã thu hoạch cá đạt giá trị thương phẩm; sản lượng thu hoạch đạt khoảng 95% kế hoạch. Tại Vinh Hà, địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản gần 400ha, hiện cũng đã thu hoạch hết. Nông dân những vùng nuôi trồng khác như Phú Xuân, Phú Đa, Phú An… cũng thu hoạch phần lớn sản phẩm, đồng thời thực hiện nghiêm túc những biện pháp đắp bờ, giăng lưới, phòng nước dâng cao, bảo vệ cá, tôm, cua vượt lũ.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban PCTT – TKCN huyện Phú Vang: Để công tác PCTT – TKCN chủ động, hiệu quả, mỗi năm, vào đầu năm, huyện tổng kết công tác PCTT của năm cũ, xây dựng kế hoạch PCTT cho năm mới; tổ chức chỉ đạo cho các xã rà soát, xây dựng lại chương trình của địa phương mình. Đặc biệt chú trọng công tác rà soát, đánh giá lại kế hoạch di dời người dân trong các tình huống bão hoặc lũ, bão kết hợp lũ, nhất là với những vùng ven biển thường xảy ra sạt lở như Phú Thuận, Phú Hải; các xã vùng trũng như Phú Lương, Phú Hồ để công tác di dời, ứng cứu dân đảm bảo hiệu quả, an toàn nhất.
Đặc biệt đầu tháng 8/2024, theo kế hoạch của tỉnh, huyện Phú Vang đã tổ chức diễn tập phòng, chống lụt bão, TKCN năm 2024. Cuộc diễn tập bao gồm các nội dung vận hành phương án, tuyên truyền, vận động Nhân dân sơ tán khi có bão; triển khai thực binh phương án khắc phục sự cố sạt lở bờ biển; cứu hộ, cứu nạn công trình bị sập; TKCN trên sông và khắc phục hậu quả với tình huống giả định do ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 3 kết hợp với mưa lũ gây ra thiệt hại về người và tài sản.
Thông qua diễn tập, huyện Phú Vang kịp thời bổ sung, điều chỉnh các tình huống sát thực tế, qua đó vận dụng vào công tác PCTT – TKCN trên địa bàn; nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ của các cấp, ngành; tăng cường công tác truyên truyền tới Nhân dân nhằm chủ động PCTT – TKCN, góp phần quan trọng để công tác này tại địa phương đạt hiệu quả cao, sẵn sàng ứng phó tốt trong mọi tình huống.