ClockThứ Ba, 28/08/2018 19:49

Chủ động trong mùa mưa bão: Cần tăng cường diễn tập xử lý sự cố

TTH - Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai năm 2018 do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại Thừa Thiên Huế ngày 28/8. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm việc với đoàn.

Cảnh giác mưa dông khi tắm suốiThủ tướng chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với bão số 4 và mưa lũCông trình xây dựng chủ động trước mùa mưa bão

Kiểm tra tại nhà máy thủy điện Bình Điền

Chủ động phòng chống

Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh, Đoàn đã đi khảo sát thực địa tại nhà máy Thủy điện Bình Điền, Cảng cá Thuận An và một số điểm sạt lở, Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về công tác đảm bảo an toàn cho ngư dân.

Từ đầu năm nay, Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng 6 đợt dông, lốc sét; 1 trận mưa đá, 1 trận động đất nhẹ, 12 đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn, gió mạnh trên biển, sóng lớn, thủy triều. Trong đó, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 2 trong tháng 6 gây ngập úng cục bộ trong thời gian ngắn tại các tuyến đường trong thành phố và gây ngập úng 2.300 ha lúa hè thu tại Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, Hương Trà với độ ngập sâu 15-20cm. Dự báo thời gian tới có khả năng xảy ra 5 đến 8 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên biển. Thừa Thiên Huế có khả năng bị ảnh hưởng khoảng 1 đến 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trên diện rộng tập trung tháng 10 đến tháng 12.

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi, Phó Chánh văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh, địa phương đã có nhiều phương án chủ động ứng phó phòng chống lụt bão (PCLB). Trong đó, các hồ chứa thủy lợi đã kiện toàn BCH PCTT&TKCN, lập phương án PCLB công trình trình cấp thẩm quyền phê duyệt; chuẩn bị tổ chức lực lượng, phương tiện cơ sở vật chất và biện pháp tiến hành. Riêng hồ Tả Trạch đã chủ động xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện thiết bị, vật tư, hậu cần ứng phó sự cố công trình. Các hồ chứa thủy điện cập nhật phương án PCLB đảm bảo an toàn đập trình do Bộ Công thương phê duyệt đối với các hồ thủy điện công suất trên 30MW; cập nhật bổ sung phương án PCLB đảm bảo an toàn đập và phương án PCLB vùng hạ du trình UBND tỉnh; thành lập BCH PCTT&TKCN công trình, xây dựng quy chế phối hợp giữa BCH PCTT&TKCN tỉnh với các nhà máy thủy điện, có phương án dự trữ phương tiện tại các cụm công trình đầu mối.

Hiện toàn tỉnh có các khu neo đậu thuyền tránh trú bão như: Cảng cá Thuận An; Cảng cá Tư Hiền, các khu neo đậu như: Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ, vùng neo đậu tự nhiên. Trong đó, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Hải do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đảm bảo an toàn hơn 500 tàu thuyền loại từ 20CV trở lên, do Cảng cá Thừa Thiên Huế quản lý và ban hành nội quy phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú. Sở NN&PTNT chỉ đạo cảng cá xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu cá; Chi cục Thủy sản phối hợp các địa phương và Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra tàu thuyền về thiết bị đảm bảo an toàn khi ra khơi, số thuyền viên đi biển…

Ông Phan Thanh Hùng đề xuất, Thừa Thiên Huế được chọn làm điểm trong xây dựng mô hình PCLB. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, đào tạo nhân lực cho địa phương xây dựng mô hình điển hình và phương tiện ứng cứu tại chỗ; hỗ trợ đầu tư một số dự án chống sạt lở bờ biển tại Phú Thuận; nạo vét cửa biển Thuận An, Tư Hiền, chống sạt lở bờ sông Hương; nâng cấp hồ chứa…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trao đổi cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng

Chủ động thông tin cảnh báo

Tại chuyến khảo sát, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ thực tế: Địa phương vẫn chưa xây dựng được phương án ứng phó sự cố vỡ hồ, đập cho hệ thống lưu vực sông Hương, sông Bồ và bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Muốn làm được điều này, nội dung nghiên cứu phải có tính chuyên sâu, tổng thể, phức tạp, kinh phí lớn cần có sự hỗ trợ của Trung ương. Mùa mưa bão, dự báo bão cơ bản đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên dự báo mưa độ chính xác chưa cao. Trong khi điều tiết nước tại các hồ đập cần những thông tin cụ thể, kịp thời về dự báo lượng mưa để có phương án xử lý hợp lý giảm tác động đến vùng hạ du; vì thế các bộ, ngành liên quan cần đầu tư nâng cao chất lượng các bản tin dự báo mưa.

Tại buổi làm việc, các ý kiến của đoàn kiểm tra đánh giá cao tính chủ động của địa phương trong PCLB. Tuy nhiên, đại diện đoàn công tác cho rằng, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều đặc thù. Từ 2016 đến nay, thiên tai xảy ra liên tục, ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế vì thế cần nâng tầm công tác PCLB trong đó gắn trách nhiệm người đứng đầu trong PCLB; kế hoạch PCLB đã có nhưng địa phương phải tăng cường cần luyện tập, phản ứng nhanh nâng cao khả năng thích ứng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu để lại những hậu quả nặng nề, vì thế cần nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành… trong PCTT&TKCN giảm thiểu những tổn thất. Xây dựng được phương án PCLB phải đi kèm với diễn tập xử lý các tình huống, có như vậy mới phản ứng nhanh khi tính huống xấu xảy ra.

“Tỉnh tập trung phân công nhiệm vụ các thành viên BCH PCTT&TKCN sát hơn, gắn nhiệm vụ cho từng đơn vị cụ thể; xây dựng được lực lượng xung kích tại chỗ; kế hoạch chi tiết huy động lực lượng các thành viên BCH; phải có phương án đảm bảo an toàn cho công trình cao tầng, tháp BTS, nhà cổ…”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm

Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh được Ban Giám đốc Công an tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững sự bình yên cuộc sống người dân.

Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt để trẻ vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top