ClockChủ Nhật, 27/10/2024 09:59

Chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại

TTH.VN - Sáng 27/10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà họp trực tuyến với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum về công tác ứng phó với bão số 6 (bão TRAMI).

Người dân không được ra đường từ 7h00 ngày 27/10 để tránh, trú bão số 6Thời tiết ngày 27/10: Bão số 6 mạnh cấp 10, gây mưa lớn ở Trung Bộ, Tây NguyênSẵn sàng nhân lực, phương tiện ứng phó bão số 6 Sân bay Phú Bài tạm dừng tiếp nhận, khai thác để tránh bão số 6

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; Phó Chủ tịch UBND Phan Quý Phương.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 27/10, bão số 6 đang ở trên vùng biển Nam Quảng Trị - Đà Nẵng. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quang Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Cù lao Chàm) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão cao 4-6 m. Biển động rất mạnh. Khu vực biển ven bờ Quảng Bình - Quảng Trị và Quảng Ngãi - Bình Định có sóng cao 2-4 m; khu vực Huế-Quảng Nam cao 3-5 m.

Dự báo trưa ngày 27/10, bão số 6 sẽ đi vào đất liền khu vực Nam Quảng Trị - Đà Nẵng, vùng gần tâm bão có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền có thể có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ sáng 27/10 đến chiều 27/10.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Đông dịch chuyển ngược trở lại biển, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là vùng áp thấp và tan dần.

Dự báo, từ sáng 27/10 đến hết ngày 29/10, khu vực Quảng Bình - Quảng Ngãi tiếp tục mưa to 200 - 400 mm, có nơi trên 600 mm. Khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa từ 150-250 mm, có nơi trên 400 mm. Khu vực Bắc Nghệ An, Gia Lai có mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mmm. Khả năng xuất hiện lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có nền gió mạnh từ cấp 7; gần biển gió cấp 8 - 9. Triển khai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 110, các  sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão 6, mưa lũ; tăng cường tuyên tuyền, vận động người dân giằng chống, gia cố nhà cửa; gia cố các cây xanh có nguy cơ gãy đổ trên địa bàn; triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Các địa phương đã rà soát phương án sơ tán, di dời để đối phó với bão, lũ, nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở đất: 10.251 hộ/32.665 khẩu. Đến 7h ngày 27/10 đã  di dời 815 hộ/1842 khẩu. Từ 7 giờ sáng nay, tỉnh đã thực hiện cấm người dân không ra đường khi có gió mạnh; duy trì lực lượng công an, biên phòng, quân đội và ứng trực để kịp thời cứu hộ, cứu nạn. Hiện nay, khu vực cửa Thuận An có triều cường cao 1,8m, gây xói lở, tỉnh đã di dời 815 hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng.

Do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai trong tháng 9 đến tháng 10/2024, đặc biệt là các đợt mưa lớn, gió mạnh trên biển, sóng lớn, triều cường, nước dâng trong các ngày 19-21/10/2024 đã gây sạt lở cho đoạn bờ biển dài khoảng 1.000m, sạt lở nặng dài khoảng 300m nằm ở khu vực bãi tắm Thuận An-Phú Thuận, ăn sâu vào đất liền từ 70m đến 100m gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đường liên xã, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các hộ dân thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, thành phố Huế (đợt lũ lịch sử năm 1999, tại vị trí đoạn bờ biển này đã bị vỡ và trở thành cửa biển mới, sau đó UBND tỉnh đã xây dựng công trình khắc phục, hàn gắn lại vào năm 2000).

Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của bão số 6 đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, các đơn vị tăng cường lực lượng xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả.

Giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ
Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai

Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên phải hứng chịu các trận bão lụt lớn, nên người dân ngày càng chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại.

Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai
Return to top