|
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã sẵn sàng huy động quân số khoảng 750 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện ứng phó với bão số 6 |
Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã sẵn sàng huy động quân số khoảng 750 cán bộ, chiến sĩ; trên 7.700 dân quân tự vệ; trên 15.000 dự bị động viên cùng lực lượng tự vệ cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp để ứng phó với bão số 6.
Công an tỉnh bố trí 2.000 cán bộ, chiến sĩ, 50 ca nô, 60 xuồng, 24 xe chữa cháy, 57 cưa máy, 141 máy nổ, 2.000 áo phao và các dụng cụ, thiết bị khác sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do thiên tai.
Nhằm đảm bảo phương tiện phục vụ công tác ứng phó với bão số 6, toàn tỉnh sẵn sàng 30 xe chỉ huy, 11 xe ô tô các loại, 1 xuồng ST-1200, 4 xuồng ST-750, 10 xuồng ST-660, 16 xuồng ST- 450, 1 tàu chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trên sông, 5 bộ vượt sông nhẹ VSN-1500 + 5 máy đẩy công suất 40CV... cùng hàng ngàn phao cứu sinh.
Quan điểm chỉ đạo chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan là không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, bảo vệ tài sản, tính mạng người dân một cách tốt nhất khi bão số 6 đổ bộ vào địa bàn tỉnh.
Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, hồi 13 giờ chiều 26/10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 440 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/ giờ), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 20 km/giờ.
|
Các lực lượng đã sẵn sàng để ứng phó với bão số 6 |
Dự báo từ sáng ngày 27/10, trên đất liền ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Hoàn lưu bão số 6 rất rộng, có thể ảnh hưởng tới đất liền gây mưa dông mạnh ngay khi bão còn cách bờ 300-500 km, có thể kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan quy mô nhỏ như: Lốc, sét, gió giật mạnh trong cơn dông.
Diễn biến về cường độ, hướng và tốc độ di chuyển của cơn bão này sẽ còn rất phức tạp trên Biển Đông khi tương tác với hệ thống không khí lạnh và cơn bão rất mạnh đang hình thành ở phía Đông Philippines trong một vài ngày tới. Do vậy, từ đêm 26/10 đến ngày 29/10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to; tổng lượng mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 550mm.
|
Giúp dân chằng chống nhà cửa |
Để giúp dân ứng phó với bão số 6, chiều 26/10, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp cùng chính quyền địa phương đến giúp đỡ các hộ gia đình gia cố nhà cửa bằng các bao cát nhỏ để hạn chế tác động của gió lớn đang dần mạnh lên khi bão số 6 tiến sát vào đất liền.
Thiếu tá Hồ Trịnh Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây cho biết: Đơn vị đã tuyên truyền ngư dân tuyệt đối không ở lại trên các lồng bè nuôi cá tại khu vực nuôi thủy sản khu vực đê chắn sóng cảng Chân Mây. Hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Cử lực lượng đơn vị phối hợp cùng chính quyền địa phương tham gia chằng chống nhà cửa cho số hộ neo đơn tại khu vực có nguy cơ cao bị tốc mái tại thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.
|
Cùng các lực lượng ngăn chặn xâm thực biển |
Tại bờ biển xã Phú Thuận (Phú Vang) và bãi tắm Thuận An do mưa bão và tác động mạnh của sóng biển đã làm kè chắn tại khu vực bờ biển bị sạt lở có chiều dài khoảng 300m, ăn sâu vào đất liền khoảng hơn 50m, phá hỏng vỉa hè đường đi bộ của đường ngang nội bộ bãi tắm, làm các gốc cây dương trên vỉa hè có nguy cơ ngã đổ.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An và Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp các lực lượng ngâm mình dưới nước biển nhiều giờ vận chuyển từng khối đá gia cố những điểm xung yếu, tập trung các phương án nhằm ngăn chặn việc xâm thực sâu vào trong để bảo vệ các công trình hạ tầng cũng như bảo đảm an toàn cho người dân.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng duy trì 380 cán bộ, chiến sĩ với 28 phương tiện (2 tàu, 16 xuồng, ca nô, 4 xe ô tô chở quân, 2 xe ô tô chở vật chất, 1 xe cứu thương, 3 xe chỉ huy) sẵn sàng cơ động tham gia xử lý tình huống khi bão số 6 đến.