ClockThứ Năm, 04/04/2024 11:13

Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

TTH - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cảnh báo, trong những ngày nắng nóng như hiện nay, buổi chiều và chiều tối thường xảy ra mưa giông kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá, ảnh hưởng đến sản xuất và gây thiệt hại về người và tài sản.

Phải tăng cường hành động giảm thiệt hại liên quan đến khí hậu cho ngành nông nghiệpPhát triển Huế dựa vào thiên nhiênKinh tế toàn cầu có thể thiệt hại đến 5.000 tỷ USD do thời tiết khắc nghiệt

Lực lượng chức năng giúp người dân A Lưới lợp lại mái nhà sau cơn giông lốc chiều 30/3 

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong năm 2024, số ngày xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt có khả năng ít hơn năm 2023, nhưng lại nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Ngay từ cuối tháng 3 và đặc biệt là đầu tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện đợt nắng nóng có cường độ mạnh nhất và được dự báo kéo dài nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay. Cụ thể, đợt này nhiệt độ cao nhất ở vùng đồng bằng, trung du, ven biển và TP. Huế 38-40 độ C, huyện Nam Đông 38-40 độ C, huyện A Lưới 35-37 độ C.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đưa ra cảnh báo nắng nóng kéo dài nhiều ngày liên tiếp có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông có ảnh hưởng của chế độ thủy triều và thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân.

Bà N.T.B (Quảng Công, Quảng Điền) cho biết, thường vào thời điểm đầu tháng 4, buổi chiều sau khi nắng gắt sẽ có mưa giông, bà con làm đồng có kinh nghiệm quan sát thời tiết trên đồng để về nhà kịp thời tránh hiện tượng giông sét. Buổi chiều mưa giông nếu đang làm trên đồng, không tìm được chỗ trú ẩn cần phải tránh xa các cây cao, không đứng ở các vùng đất trống trải. Ngoài ra, phải vứt bỏ, tránh xa các vật dụng, nông cụ bằng kim loại. Không đứng, ngồi cạnh cột điện, hoặc đường dây tải điện, vì khu vực này thường dễ bị sét đánh hay dây điện bị đứt nên rất nguy hiểm.

Mới đây, chiều 30/3, trên địa bàn huyện A Lưới, Phong Điền có mưa giông kèm gió mạnh, ở trạm A Lưới đã quan trắc được gió giật 16m/s (gần cuối cấp 7).  Lượng mưa đo được tại các trạm: Hương Nguyên (A Lưới) 41mm, Tà Lương (A Lưới) 30mm, thị trấn A Lưới 24mm,  Rào Trăng 4 (Phong Xuân) 18mm. Giông lốc đã làm 68 nhà, một trường học ở các huyện A Lưới, Phong Điền bị tốc mái.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cho biết, đơn vị đã có bản tin cảnh báo các địa phương cần chủ động đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đề phòng hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng cửa sông có ảnh hưởng của chế độ thủy triều.

Thời tiết cực đoan gây thiệt hại về người và tài sản đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, có thể ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến năng suất của cây trồng. Người dân cần chủ động phòng tránh hiện tượng giông sét khi lao động ngoài trời, tránh bị sét đánh có thể gây chết người.

Nắng nóng với nền nhiệt độ cao, độ ẩm không khí thấp sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của con người, đặc biệt là người già, trẻ em, những người có tiền sử bệnh nền và thể trạng yếu. Để đảm bảo sức khỏe, người dân cần hạn chế di chuyển hoặc lao động ngoài trời trong giờ cao điểm những ngày có nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Địa phương cần chủ động đề phòng nguy cơ xảy ra cháy rừng, cháy nổ trong khu dân cư và các chợ do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, ngay từ đầu vụ đơn vị này đã kiểm tra các vùng bị hạn, thiếu nước chỉ đạo các địa phương triển khai mọi giải pháp có thể để chống hạn cho cây lúa và hoa màu. Các địa phương đã thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng vùng đất, chân đất lúa có khả năng thiếu nước và đối với các vùng không chủ động nguồn nước phải chuyển sang cây trồng khác, bố trí giống ngắn ngày nhằm chủ động sản xuất.

Ông Đặng Văn Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin, để ứng phó với hạn mặn, UBND tỉnh cũng đã giao Sở NN&PTNT điều tra, đánh giá, xem xét khả năng cung cấp nước tưới, chuẩn bị cho vụ hè thu để chủ động xác định ngay từ đầu việc tiếp tục trồng cây lúa hay có kế hoạch chuyển sang trồng cây rau màu khác để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh bố trí nhân lực, phương tiện ra quân nạo vét các kênh hói, kênh rạch bồi lấp. Sửa chữa các tuyến kênh mương hư hỏng và có giải pháp chủ động nguồn nước tưới trong vụ hè thu sắp đến.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh dự báo, thời điểm từ tháng 6-8/2024 là thời kỳ nắng nóng chính trong năm ở Thừa Thiên Huế, cần đề phòng khả năng xảy ra các đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kéo dài trong nhiều ngày liên tục. Số ngày xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt trong năm 2024 có khả năng ít hơn năm 2023, nhưng nhiều hơn so với TBNN. Đồng thời, số ngày xuất hiện giông sét và các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm, đặc biệt là ở trung du và vùng núi cũng ở mức xấp xỉ và nhiều hơn so với TBNN.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm

Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh được Ban Giám đốc Công an tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững sự bình yên cuộc sống người dân.

Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm
Chủ động ngăn ngừa tội phạm liên tỉnh

Nhờ nắm và bám sát địa bàn, Công an TP. Huế đã kịp thời triệt phá, bắt giữ nhiều nhóm tội phạm ngoại tỉnh liên quan đến lừa đảo và trộm cắp tài sản.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm liên tỉnh

TIN MỚI

Return to top