Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Chí Tài phát biểu tại thảo luận tổ
Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Chí Tài, thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật đã rõ ràng, tại các địa phương rất rốt ráo, và cũng đã thành lập ban chỉ đạo chống thất thu thuế. Ngoài ra, ở các cơ quan thuế, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cũng khá tốt… Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng thuế rất cao, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, có các chế tài xử lý vấn đề này.
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư chậm hoặc quản lý vốn đầu tư hiện chưa đúng quy định. Đại biểu Nguyễn Chí Tài trích dẫn, năm 2017 tỉ lệ này khoảng 86,3 %, năm 2018 con số này giảm xuống còn 75,8%. Hiện nay, có nhiều vấn đề cử tri rất quan tâm như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu rất rõ ràng... Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện hiện khá chậm, Chính phủ cần phân tích nguyên nhân và có những giải pháp căn cơ, làm sao để các dự án như, đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành được thực hiện tốt hơn.
Về nguồn lực cho ngành giáo dục và khoa học công nghệ, ông Nguyễn Chí Tài cho rằng, thời gian qua, Chính phủ xác định Giáo dục Đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, báo cáo chi cho giáo dục và khoa học công nghệ lại chỉ đạt rất khiêm tốn. Nên chăng cần có những giải pháp căn cơ về vấn đề này.
Hiện, công tác quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách rất lỏng lẻo, có nhiều địa phương quỹ hoạt động rất rời rạc. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại vấn đề này, làm sao đó để nâng cao hiệu quả cũng như trách nhiệm cộng đồng.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39, Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 có bàn đến việc sắp xếp lại bộ máy hành chính Nhà nước, đặc biệt về vấn đề tài chính. Tuy nhiêu, việc triển khai chậm. Chính vì vậy, cũng đề nghị triển khai tốt hơn vấn đề này.
“Hiện nay, có 2 chuyên đề mục tiêu quốc gia nhưng việc triển khai ở địa phương rất chậm, chính vì vậy chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, khi ban hành chính sách phải thực hiện chính sách tốt để tránh tạo dư luận không hay. Trước khi hoạch định chính sách cần xác định được nguồn lực, nguồn vốn”- ông Nguyễn Chí Tài nhấn mạnh.
* Chiều cùng ngày, phát biểu tại hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Chí Tài đồng ý với báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, đóng góp một số ý kiến nhằm giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện dựa sn luật này.
Về hệ thống tổ chức thi hành án hình sự, điểm d khoản 3 Điều 11 của dự thảo luật, tôi đồng ý với quy định trường giáo dưỡng là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự tuy nhiên tại chương này chưa có quy định nào quy định nhiệm vụ, quyền hạn của trường giáo dưỡng trong thi hành án hình sự. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều khoản quy định về nội dung này vào chương tổ chức thi hành án hình sự của dự thảo luật để đảm bảo sự chặt chẽ trong quá trình triển khai luật sau này.
Về quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án Nhân dân tại Điều 21, Ủy ban Nhân dân tại Điều 19 trong Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Theo tôi, quy định này còn thiếu và chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, tại Điều 19 và Điều 21 của dự thảo Luật Thi hành án hình sự không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Nhân dân cấp xã, Tòa án về xóa án tích cho bị án tại Điều 71, Điều 72 của Bộ luật Hình sự lại quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho Ủy ban Nhân dân cấp xã và Tòa án.
Mặt khác, tại đoạn cuối của Điều 21 quy định thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật này nghĩa là các quy định khác trong Luật Thi hành án hình sự liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án thì phải thực hiện, trong khi đó Luật Thi hành án hình sự không quy định thì mặc nhiên nhiệm vụ quyền hạn về xóa án tích sẽ được không thực hiện và sẽ mâu thuẫn với Bộ luật Hình sự. Vì vậy, tôi đề nghị cần quy định cụ thể nội dung này và sửa đổi, bổ sung đoạn cuối của Điều 19, 21 như sau: Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật này và các bộ luật khác có liên quan thì sẽ đầy đủ hơn.
Về thi hành án phạt tù tại Điều 23. Tại khoản 4 Điều 23 có quy định người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự, công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu. Tuy nhiên, sau khi bị án trình diện tại cơ quan thi hành án hình sự để thi hành án thì dự thảo luật lại không quy định thời gian cơ quan thi hành án hình sự phải hoàn thành hồ sơ thi hành án phạt tù để điều chuyển bị án đến trại tạm giam để thi hành án trong khi tại khoản 1 và khoản 2 của điều này quy định là 5 ngày phải đưa người chấp hành án đi chấp hành án. Chính vì vậy, tôi đề nghị bổ sung về thời gian cơ quan thi hành án hình sự phải ra quyết định, phải đưa người chấp hành án đi chấp hành án.
Về giam giữ phạm nhân tại Điều 30. Tại khoản 2 Điều 30 của dự thảo luật, tôi thống nhất quy định phạm nhân là người đồng tính, phạm nhân là người chuyển đổi giới tính có thể giam giữ riêng. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay không chỉ có người đồng tính, người chuyển đổi giới tính mà còn có người song tính. Chính vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đối tượng người song tính là đối tượng có thể được giam giữ riêng.
Về thủ tục miễn chấp hành án phạt tù tại Điều 39, thủ tục miễn chấp hành án phạt tù tại khoản 1 Điều 39 dự thảo luật quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc lập hồ sơ đề nghị Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù. Tôi đề nghị cần quy định rõ Viện kiểm sát có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, nơi người chấp hành án cư trú hoặc làm việc.
Về nghĩa vụ của người chấp hành án cải tạo không giam giữ tại Điều 36 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định về việc thi hành, cải tạo không giam giữ thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong trường hợp đang trong thời gian cải tạo không giam giữ mà không có việc làm hoặc mất việc làm tại khoản 4. Cụ thể, thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 tiếng trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần. Do đó, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 99 dự thảo luật theo hướng cụ thể về nghĩa vụ lao động phục vụ tại cộng đồng trong trường hợp trên. Cụ thể là bổ sung một khoản tại Chương này với nội dung là "thực hiện lao động phục vụ tại cộng đồng không quá 4 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần trong trường hợp không có việc làm hoặc mất việc làm".
Thái Sơn (ghi)