Không đón khách đến từ vùng có dịch. Đo thân nhiệt. Khẩu trang cho mình và cho khách. Chia sẻ những khuyến cáo về dịch COVID-19 (tên cũ là nCov) và các cách phòng chống lây nhiễm. Chu đáo hơn về không gian lưu trú bằng việc thường xuyên vệ sinh, khử trùng, sát khuẩn. Quản lý, theo dõi chặt chẽ lịch trình các điểm đi và đến cũng như sức khỏe thường ngày của du khách. Yêu cầu khai báo sức khỏe khi check-in… là những biện pháp mà hầu hết các đơn vị du lịch-dịch vụ, lữ hành đã tiến hành để giám sát và hạn chế lây nhiễm trong gần một tháng qua.
Không chỉ là một biện pháp yêu cầu được áp dụng, đó cũng là cách để các bên cùng an toàn. Cùng nhau kiểm soát chéo một cách tốt nhất có thể cũng là cách để lọc bớt những rủi ro tiềm ẩn. Điều này gần như đã trở thành một động thái tức thì ngay ở đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch-dịch vụ. Hơn ai hết, mọi người đều hiểu họ có khả năng nhiễm bệnh nếu không làm tốt những điều này, nhất là khi có khuyến cáo về tình trạng đã từng lây nhiễm từ du khách người Trung Quốc cho lễ tân một khách sạn ở Nha Trang.
Tôi đã cảm thấy khá thoải mái khi bảo vệ một cửa hàng trên đường Hà Nội (TP. Huế) tiến đến và đề nghị tôi kiểm tra thân nhiệt trước khi mở cửa vào trong. Tôi cũng cảm thấy đó là điều dễ chịu khi Grab thông tin một cách cụ thể về việc bảo vệ quyền lợi đối tác trước dịch bệnh COVID-19, với nhiều chương trình hỗ trợ để đối tác (cho dù là đối tác của Grab 2 bánh) yên tâm hơn. Chính vì thế, việc kê khai thông tin y tế và du lịch để cùng nhau tự bảo vệ mình là điều mà mọi người đều có thể thực hiện.
Tuy nhiên trong thực tế, không phải vị khách nào, đoàn khách nào cũng sẵn sàng thực hiện các thao tác này, nhất là khi họ không đến từ vùng có dịch và lịch trình của họ cũng không đi qua vùng dịch. Đó cũng là những tình huống ứng xử cần phải được thể hiện một cách mềm mỏng, nhưng kiên quyết trên cơ sở hợp lý. Có thể những du khách này cho rằng, đó là điều không cần thiết nhưng rõ ràng là, không ai có thể biết họ đã/hoặc vô tình gặp những ai đó có khả năng mang mầm bệnh. Rủi ro có thể từ đó mà loang ra, cho cả không gian lưu trú và phạm vi hoạt động của người khách/đoàn khách đó. Việc một hành khách trên tàu MS Westerdam cập cảng ở Sihanoukvillera (Cambodia), rồi bay đến Malaysia và được nhà chức trách ở đây phát hiện dương tính với COVID-19 là một ví dụ rất cụ thể, dù trước đó du khách này cũng đã được kiểm tra sức khỏe trước khi rời tàu.
Tất nhiên, đây cũng chỉ là những biện pháp phòng tránh, bởi vì theo cách bày tỏ của đa số, thì sợ thôi nhưng đừng sợ quá. Điều cơ bản nhất cho đến nay là gần như COVID-19 đang được kiểm soát tốt ở Việt Nam. Tôi cũng thích cách mà ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel chia sẻ với Báo Tuổi Trẻ về việc nên mở một chiến dịch mới về những điểm đến an toàn của Việt Nam với slogan “I am safe”- “tôi an toàn”.
Tôi cũng đã dừng lại rất lâu trước những dòng đánh giá của một du khách khi check-in tại Cheris hotel Huế mà anh Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch đã chia sẻ hôm qua, rằng “chúng tôi ấn tượng về cách khách sạn đang triển khai… Ngay khi bước vào tòa nhà, chúng tôi được đo nhiệt độ, phát khẩu trang, hướng dẫn sử dụng dung dịch rửa tay. Điều đó thật tuyệt vời. Chúng tôi thích khách sạn này và chắc chắn sẽ quay lại một lần nữa…”
Yên Minh