ClockThứ Sáu, 28/04/2017 09:51

Cứu bệnh như cứu hỏa

TTH - Hội nghị Quốc tế về Y học cấp cứu năm 2017 vừa diễn ra tại Trường đại học Y dược Huế đã nhận định: Trong bối cảnh kinh tế phát triển như hiện nay, nhu cầu được chăm sóc y tế của người dân ngày càng tăng cao, mô hình bệnh tật thay đổi, nhiều tình trạng bệnh lý đòi hỏi phải được xử trí khẩn cấp thì nhu cầu sơ cấp cứu ban đầu, vận chuyển cấp cứu có hỗ trợ của nhân viên y tế, chẩn đoán và xử lý hiệu quả tại các đơn vị cấp cứu đa khoa ngày càng trở nên quan trọng…

Trong thực tế, công tác sơ cấp cứu ban đầu cho người bệnh đã tạo được sự lan tỏa trong xã hội. Cùng với mạng lưới y tế phủ kín từ trung ương đến cơ sở, các khu dân cư thường có người biết y thuật sẵn sàng sơ cấp cứu người bệnh trước khi chuyển đến bệnh viện. Đặc biệt, nhiều tỉnh thành đã thành lập các trạm sơ cấp cứu tai nạn giao thông, góp phần giảm thương vong, di chứng cho nạn nhân về sau.

Điều đáng quan tâm hiện nay là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mạng lưới sơ cấp cứu ban đầu này phần nhiều vẫn còn hạn chế. Nhiều trường hợp tình nguyện viên chỉ là “tay ngang”, nên hiệu quả sơ cấp cứu không cao. Ngay ở nhiều trạm xá, bệnh viện địa phương vẫn còn bộc lộ những hạn chế, do đội ngũ, trình độ y bác sĩ cũng như phương tiện kỹ thuật chưa đảm bảo. Dư luận không khỏi xót xa trường hợp em Trần Trúc Giang xã Bình Phú, Tân Hồng (Đồng Tháp) bị cắt cụt 1/3 chân, do bác sĩ tại bệnh viện đa khoa huyện Tân Hồng chẩn đoán sai sau vụ tai nạn giao thông hồi giữa tháng tư vừa qua. Năm ngoái, nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị tai nạn giao thông đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin, Đắk Lăk cũng bị cưa chân do chuyên môn kỹ thuật ở đây không đảm bảo. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng từng xảy ra một số trường hợp. Đơn cử như vụ việc xảy ra vào tháng 5/2016, làm chết bé gái sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Bình Điền, khi gia đình xin chuyển cháu về Bệnh viện Trung ương Huế nhưng các bác sĩ ở đây không đồng ý…

Có thể khẳng định, sơ cấp cứu ban đầu là khâu rất quan trọng, để duy trì sự sống, hạn chế những biến chứng sau này cho nạn nhân, người bệnh. Tuy nhiên, nếu không biết cách, không am tường y thuật; có khi chủ quan, bảo thủ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường cho bệnh nhân và người nhà. Mô hình cấp cứu trước bệnh viện đã được nhiều nước phát triển ứng dụng có hiệu quả; những kỹ thuật viên sơ cấp cứu được đào tạo tốt đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của cấp cứu.

Được biết sắp tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo kỹ thuật viên cấp cứu, phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần hình thành hệ thống và nâng cao chất lượng cấp cứu nói chung và cấp cứu trước bệnh viện nói riêng… Đây là động thái cần thiết trong điều kiện nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một cao trong xã hội. Trước mắt, cần có những lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ sơ cấp cứu ban đầu cho những người tham gia ở các cơ sở sơ cấp cứu; cũng như nâng cao đội ngũ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật tại các trung tâm y tế cơ sở, để hạn chế những hậu quả không mong muốn như từng xảy ra.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việc ghép thận giữa những người nhiễm HIV vẫn an toàn

Một nghiên cứu của Mỹ vừa được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy, những người nhiễm HIV có thể an toàn nhận thận hiến tặng từ những người hiến tạng nhiễm HIV đã chết. Điều này có thể giúp rút ngắn thời gian chờ đợi để được ghép tạng trên diện rộng, bất kể tình trạng HIV của bệnh nhân.

Việc ghép thận giữa những người nhiễm HIV vẫn an toàn

TIN MỚI

Return to top