Mấy ngày nay, nhiều cơ quan Trung ương liên quan bàn thảo về chuyện giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu - như Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, với mức giảm hai sắc thuế trên lên tới 50%. Còn VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, phương án miễn, giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ cần thiết trong bối cảnh thế giới hiện nay. Trước đó, Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu về việc này nếu trong bối cảnh giá thế giới tăng cao.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đối với nền kinh tế và là mặt hàng thiết thân đối với mọi người dân. Đối với đại bộ phận người dân, không có nó là không được. Còn đối với doanh nghiệp (DN) thì không cần bàn cãi về sự cần thiết, mà là quá cần thiết. Bởi nó là một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Chính vì vậy, nó tác động lên giá cả và giá dịch vụ. Xăng dầu tăng, có thể có một lúc nào đó DN giữ yên giá hàng hóa (vì còn phải cạnh tranh). Trong trường hợp này, DN xem xét co lại biên lợi nhuận. Nhưng nếu xăng dầu cứ tăng và giữ giá cao (chẳng hạn) đến một lúc nào đó DN sẽ chuyển hóa nó vào hàng hóa, dịch vụ và lập nên một mặt bằng giá mới. Ai chịu “xài” giá cao? Chính là người tiêu dùng chứ không ai khác.
Có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu hay không, thì chúng ta còn phải đợi. Nhưng từ sự lưu ý của Chính phủ, đến đề xuất của Bộ Tài chính và một số ngành chức năng, khả năng giảm thuế trong trường hợp này là khả năng có thể diễn ra. Nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận thì đây là tin vui đối với DN và người dân, khi áp lực lạm phát đang rất lớn.
Xét về tính thiết yếu, cần thiết thì nó không có gì đặc biệt. Nó đặc biệt chính là ở chỗ nguồn gốc tạo ra nó (xăng dầu sinh ra từ tự nhiên, không tái tạo; xài nó nhiều quá là ảnh hưởng đến môi trường, tức là môi trường sống chính chúng ta; rồi những cam kết mang tầm quốc tế như giảm phát thải…). Cho nên, chúng ta có thể hiểu, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ là một công cụ để điều tiết các mục tiêu trên. Điều đó vừa đảm bảo hoạt động cho nền kinh tế, đảm bảo nhu cầu của người dân, đồng thời cũng đảm bảo mục tiêu sử dụng nhiên liệu hạn chế đến ảnh hưởng môi trường.
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vì lý do môi trường thì có nhiều ý kiến cho rằng, phí môi trường chúng ta đã thu, tại sao lại vin vào lý do này? Đây thật sự là một câu hỏi khó giải thích gãy gọn. Chỉ có thể hiểu, mọi sắc thuế đều sử dụng để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và đồng thời phải hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển. Một lý do nữa, theo Bộ Tài chính là phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì những lý do như vậy cho nên chúng ta hiểu, cũng như mọi chính sách, chính sách thuế cũng cần thay đổi phù hợp với thực tế, nó không phải là bất biến. Ví dụ như mỗi năm GDP của chúng ta tăng trưởng 6-7%, tức là quy mô hoạt động kinh tế diễn ra lớn hơn. Không có cách nào khác là sử dụng một lượng xăng dầu nhiều hơn. Điều này có vẻ như khó đảm bảo mục tiêu giảm phát thải (chỉ trừ đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo). Mà hiện tại nguồn điện này Việt Nam chưa có nhiều. Cho nên, nói mọi sắc thuế đều hướng đến đảm bảo mục tiêu chính là nguồn thu ngân sách và hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội và điều tiết các nhóm thu nhập là lý do thuyết phục nhất. Còn chuyện đặc biệt hay không đặc biệt thì cũng không nên bàn cãi làm gì!?
Nhưng như đã nêu, DN và người dân có thể đón nhận tin vui là xăng dầu có thể giảm giá từ những thông tin điều chỉnh theo hướng giảm giá tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế VAT đối với dầu.
Nguyên Lê