ClockThứ Năm, 30/12/2021 11:55

Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam: Kỳ vọng vào một đại hội đổi mới và phát triển

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 29-31/12, với sự tham gia của 553 đại biểu, đại diện cho trên 27.000 hội viên trên cả nước.

Sứ mệnh của người làm báoNhiều điểm mới trong mùa thứ sáu Giải Búa liềm vàngBáo chí quốc tế “giải mã” niềm tin của người dân Việt Nam với ĐảngPhải xem mạng xã hội như một kênh tuyên truyền hiện đạiPhóng viên thường trú luôn bám sát tình hình kinh tế xã hội của địa phương

Đại hội lần này được các đại biểu đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ người làm báo cả nước, nhiều đại biểu tham dự Đại hội cũng bày tỏ những mong muốn cũng như kỳ vọng của mình đối với Đại hội lần này.

Nhiều trăn trở

Lễ trao giải Ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2020, đầu năm 2021 và Giải cuộc thi ảnh “Việt Nam 2020”; khai mạc Triển lãm ảnh báo chí “Việt Nam 2020 - Ấn tượng 2021” trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chiều 29/12/2021. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trước thềm Đại hội, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Hội Nhà báo Việt Nam; đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chí và hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ năm qua; đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xác định phương hướng, nhiệm vụ quan trọng cho nhiệm kỳ XI; thực hiện Chi thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; Thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung); bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết được đội ngũ hội viên - nhà báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực. Tổ chức Hội Nhà báo ngày càng phát triển, thu hút đông đảo người làm báo tự nguyện tham gia. Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 43-CT/TƯ tiếp tục khẳng định sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động Hội và người làm báo.

Các cấp Hội, các cơ quan báo chí đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, tiên phong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí. Hội nhà báo Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng việc bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp của hội viên, quyền lợi chính đáng của hội viên nhà báo, nêu cao đạo đức nghề nghiệp.

Hội đã ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, khích lệ tinh thần cống hiến của người làm báo Cách mạng, góp phần khắc phục các vi phạm, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí. Thực hiện tốt Đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, tổ chức tốt Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí toàn quốc chuyên ngành; Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được các cấp Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng...

Nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X cho biết, sau một nhiệm kỳ, có điều kiện tiếp cận với thực tế hoạt động Hội nói chung, ông nhận thấy có rất nhiều những thuận lợi cho hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tích cực thì cũng có nhiều điều còn suy nghĩ, trăn trở. Ví dụ về việc hội viên và các cấp hội quán triệt một cách sâu sắc tính chất chính trị, xã hội, nghề nghiệp của Hội cũng còn là vấn đề. Không phải nơi nào, với cấp hội nào cũng có nhận thức một cách thống nhất và cụ thể việc này.

Thêm vào đó, vấn đề đạo đức của người làm báo, rất buồn và rất tiếc trong nhiệm kỳ qua có không ít các hội viên vi phạm pháp luật và đạo đức nghề báo đến mức pháp luật phải xử lý, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phải nhiều lần thảo luận, buộc phải khai trừ tư cách hội viên của những người vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Vậy làm thế nào để bồi dưỡng nâng cao đạo đức hội viên, xây dựng được một nền báo chí lành mạnh, tiên tiến, bắt kịp được xu hướng chung của thời đại, đáp ứng được nhu cầu thông tin của công chúng?

Bên cạnh đó, việc nâng cao trình độ nghiệp vụ của hội viên cũng là điều mong mỏi. Trong nhiệm kỳ vừa rồi, chúng ta đã bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thông qua Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam, mở hàng ngàn lớp với hàng vạn lượt học viên. Được đánh giá là một trong số ít các Trung tâm có năng lực hoạt động vào loại tốt nhất của khu vực, Trung tâm đã huy động được đội ngũ giảng viên, báo cáo viên chất lượng, đó là những nhà báo, những chuyên gia có kinh nghiệm hàng đầu ở trong nước và nước ngoài.

Tuy đã hoạt động tốt, nhưng đáp ứng được nhu cầu trong việc nâng cao nghiệp vụ báo chí, truyền thông vẫn đang là đòi hỏi bức thiết. Làm thế nào để Hội Nhà báo Việt Nam góp phần tạo ra những nhà báo xuất sắc, tiên phong, những nhà báo mà tác phẩm của họ có tác động sâu sắc đến đời sống chính trị - xã hội, có tác động đến dư luận, thực sự là công cụ hàng đầu của công tác tư tưởng của Đảng.

"Tôi hết sức suy nghĩ là làm thế nào để đổi mới sinh hoạt của Hội, đặc biệt là các Chi hội trực thuộc các Liên chi hội, đổi mới các hoạt động của Hội địa phương. Mục tiêu của chúng ta là làm thế nào để hội viên phải khác người làm báo chưa phải là hội viên. Vai trò, hoạt động, sinh hoạt của Hội nhà báo phải thiết thực và có tác động cụ thể đến hoạt động của nhà báo nói chung. Đó là những điều không chỉ cá nhân tôi mà tôi nghĩ các đồng chí lãnh đạo Hội cũng đều trăn trở. Tôi tin rằng các đồng chí nhận lãnh trách nhiệm trong nhiệm kỳ tới cũng sẽ hết sức suy nghĩ và quan tâm đến nội dung này", nhà báo Mai Đức Lộc chia sẻ.

Kỳ vọng vào sự đổi mới

Đối với các cấp Hội cơ sở ở các địa phương cũng đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ Đại hội lần này. Nhà báo Ma Văn Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, ông mong muốn Đại hội lần này nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua. Trên cơ sở đó, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những tồn tại để hoạt động nhiệm kỳ tới sẽ tốt hơn.

"Tôi kỳ vọng Ban chấp hành mới đoàn kết, dẫn dắt tổ chức Hội ngày một đi vào nề nếp. Kỳ Đại hội khóa X, do Điều lệ không được phê duyệt, các cấp hội vẫn thực hiện theo Điều lệ khóa IX nên có nhiều bất cập. Tôi mong Điều lệ sửa đổi, bổ sung lần này sẽ được phê duyệt, để các cấp Hội cơ sở dựa vào đó hoạt động cũng như thực hiện nhiệm vụ của mình", nhà báo Ma Văn Chức nói.

Nhà báo Ma Văn Chức cũng mong muốn, trong nhiệm kỳ khóa XI, Ban chấp hành chú trọng đến hệ thống văn bản hướng dẫn các cấp hội hoạt động rõ ràng, thống nhất và xuyên suốt từ trên xuống dưới, để các cấp Hội cơ sở không bị lúng túng trong quá trình điều hành hoạt động Hội và các hội viên yên tâm hoạt động nghề nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập báo Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng cho rằng, với sự chuẩn bị chu đáo từ Ban tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, ông hy vọng kỳ Đại hội này sẽ có những tổng kết sâu sắc về những việc đã làm được, những mặt còn tồn tại và đề ra phương hướng nhiệm kỳ sắp tới. Nhà báo Nguyễn Đức Nam tin tưởng, với chương trình hành động đã đề ra, trong nhiệm kỳ khóa XI, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội nhà báo ở các tỉnh, thành trên cả nước sẽ có những bước chuyển mới trong công tác Hội, cũng như góp phần trong công tác hoạt động truyền thông chung của cả nước.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Nam, nhiều năm qua, hoạt động đào tạo nghiệp vụ cho hội viên tại địa phương cũng như cho các báo Trung ương có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển. Hàng năm, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ, các hội thảo ý nghĩa và thiết thực cho hội viên như lớp tập huấn trao đổi về sử dụng thiết bị thông minh trong hoạt động tác nghiệp báo chí… trong điều kiện công nghệ phát triển như hiện nay, việc tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như các công tác khác của Hội sẽ là sự hỗ trợ tích cực với các hội viên Hội Nhà báo.

Nhà báo Trương Văn Chuyển, Tổng biên tập báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo Cần Thơ chia sẻ, mỗi kỳ Đại hội sẽ mở ra một giai đoạn mới đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam với những nội dung, phương hướng nhiệm vụ mới. Nhà báo Trương Văn Chuyển kỳ vọng, Đại hội lần sẽ này có nhiều cái mới, cái hay, nhất là trong công tác tổ chức, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam cho các hội viên.

Theo nhà báo Trương Văn Chuyển, trong thời đại công nghiệp 4.0, mọi thứ diễn ra rất nhanh và nhiều khi nghề báo không theo kịp những diễn biến đó, vì vậy, rất cần có sự hỗ trợ của Hội, nhất là của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức những khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí mới, giúp các hội viên tiếp cận với công nghệ, với phương thức tác nghiệp báo chí hiện đại trên thế giới và trong khu vực, từng bước bắt kịp thông tin của thời đại. Nhà báo Trương Văn Chuyển cũng mong muốn, Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ mới có hướng dẫn cho các báo nói chung và các báo địa phương nói riêng làm sao bắt kịp chuyển đổi số báo chí, đây cũng là xu hướng của thời đại mà chúng ta phải thực hiện càng nhanh càng tốt.

"Ở miền Tây, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Nam sông Hậu vẫn được mệnh danh là "vùng trũng" về giáo dục nói chung và trong đào tạo báo chí nói riêng. Ở khu vực này, hoạt động đào tạo báo chí vẫn còn nhiều khó khăn. Sau Đại hội này, tôi hy vọng Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghiệp vụ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Nam sông Hậu, đặc biệt là Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm hơn nữa, tổ chức nhiều hơn những lớp tập huấn nghiệp vụ, làm sao để nhiều anh em hội viên tiếp cận được cách làm báo hiện đại", nhà báo Trương Văn Chuyển mong mỏi.

Theo Tin tức TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến

Ngày 14/12, Đại hội Tim mạch học toàn quốc lần thứ 19 chính thức khai mạc, thu hút 2.200 đại biểu và hội viên trong, ngoài nước. Với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới", đại hội diễn ra với nhiều hoạt động đến ngày 15/12.

Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến
Return to top