ClockThứ Hai, 11/12/2023 06:39

Đại sứ Phạm Sao Mai: Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 12 và 13/12.

Thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung đi vào chiều sâu và thực chất hơnNâng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APECChủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Thủ tướng Australia nhân dịp dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú TTXVN tại Bắc Kinh. Ảnh tư liệu: PV TTXVN tại Bắc Kinh 

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại địa bàn về quan hệ hai nước cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm.

Nói về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết, đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của đồng chí Tập Cận Bình trên cương vị Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, là sự nối tiếp các hoạt động giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước từ sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 1/11/2022), thể hiện sự coi trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước sẽ đi sâu trao đổi các định hướng lớn, toàn diện về việc làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; phát huy truyền thống giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước nhằm củng cố hơn nữa tin cậy chính trị; tích cực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới thực chất hơn, hiệu quả hơn. Kế thừa truyền thống hữu nghị và thông lệ giữa hai bên, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm, sẽ dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sự tiếp đón đặc biệt, thắm tình hữu nghị, đồng chí anh em.

Thời gian qua, quan hệ Việt - Trung tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, có những bước tiến triển mới, đặc biệt sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 1/11/2022). Trong bức tranh sáng màu ấy, nói về điểm nhấn ấn tượng nhất trong quan hệ hai nước, Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết, trước tiên, cần phải khẳng định chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 1/11/2022) đã tạo xung lực mạnh mẽ để hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện, tạo nền tảng thuận lợi đưa quan hệ Việt - Trung bước sang giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững.

Thời gian qua, với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, đạt nhiều thành quả quan trọng. Đặc biệt, kể từ đầu năm nay sau khi Trung Quốc tối ưu hóa chính sách phòng chống dịch COVID-19, giao lưu hợp tác trực tiếp giữa hai nước chính thức được khôi phục và đạt nhiều tiến triển tích cực. 

Về quan hệ chính trị, trao đổi, tiếp xúc cấp cao diễn ra mật thiết, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) lần thứ 3 do Trung Quốc tổ chức (tháng 10/2023); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân (tháng 6/2023), dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại Nam Ninh (tháng 9/2023); đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thăm và làm việc tại Trung Quốc (tháng 4/2023).

Trong các chuyến đi này, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều hoạt động tiếp xúc quan trọng, tiếp tục đưa ra những biện pháp lớn nhằm triển khai hiệu quả nhận thức chung quan trọng của hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh. Hợp tác, giao lưu kênh Đảng, giữa hai Chính phủ, Quốc hội/Nhân đại, Mặt trận Tổ quốc/Chính Hiệp cũng như giữa các Bộ, ngành quan trọng như Ngoại giao, Quốc phòng, Công an…, các địa phương biên giới và giao lưu nhân dân hai nước đạt nhiều kết quả thực chất. Hai bên vừa tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (12/2023) với nhiều kết quả phong phú. 

Hợp tác kinh tế - thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trong bối cảnh thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác đều giảm, Việt Nam là một trong số ít các đối tác vẫn giữ ổn định thương mại với Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc 10 tháng đầu năm đạt 139,2 tỷ USD (số liệu của hải quan Trung Quốc đạt 185 tỷ USD).

Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới. Về đầu tư, 11 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 3,06 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới, đứng thứ 4 (sau Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong), song dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 22,1%). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây. 

Hợp tác trong các lĩnh vực khác như du lịch, văn hóa, giáo dục tiếp tục đạt nhiều tiến triển. Trung Quốc cơ bản khôi phục các chuyến bay thương mại với Việt Nam; hiện mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước; trong 11 tháng đầu năm 2023, có 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam; Trung Quốc đã triển khai cấp lại thị thực cho lưu học sinh và người lao động Việt Nam quay trở lại Trung Quốc. 

Biên giới trên bộ Việt - Trung duy trì hòa bình, ổn định. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ, xử lý thỏa đáng vấn đề nảy sinh trên cơ sở 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền.

Trong vấn đề trên biển, hai bên đạt nhận thức chung về kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển phù hợp với Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982, đồng thời tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả. 

Ngoài ra, hai bên cũng tích cực phối hợp tại các diễn đàn đa phương nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. 

Dư luận cho rằng, trong bối cảnh quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai nước đang tiến triển tốt đẹp, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắc sẽ tạo ra bước ngoặt mới, động lực mới cho mối quan hệ giữa hai nước. Đánh giá về nhận định này, Đại sứ Phạm Sao Mai nói rằng Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công xây dựng và vun đắp.

Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp hiện nay, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tạo thêm động lực làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, tạo cơ sở để các cấp, các ngành hai bên tích cực đi sâu và mở rộng quan hệ hợp tác, đem lại lợi ích thiết thực cho hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng, để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ song phương, thời gian tới, hai nước cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cũng như các thỏa thuận song phương, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị; cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực. 

Đại sứ Phạm Sao Mai bày tỏ tin tưởng vững chắc rằng, trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vận dụng tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy, nghiên cứu

“Với tầm khái quát lý luận cao và tổng kết thực tiễn sâu sắc, các tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hàm chứa những giá trị lý luận và thực tiễn mà đội ngũ giảng viên nhà trường cần quan tâm nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học” - TS. Nguyễn Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh cho biết.

Vận dụng tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy, nghiên cứu
Tiếp tục tư tưởng, quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và quyết tâm thực hiện thắng lợi ước nguyện của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Phan Đình Trạc có bài viết: "Quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".

Tiếp tục tư tưởng, quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

​13h hôm nay (26/7), Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông. Lễ an táng diễn ra lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội. Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể theo nghi lễ Quốc tang, đồng thời ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và quê nhà Tổng Bí thư ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26-7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Return to top