ClockThứ Hai, 02/11/2020 14:18

Đề nghị Chính phủ quan tâm chiến lược ứng phó với thiên tai trong giai đoạn mới

TTH.VN - Sáng 2/11, tham gia thảo luận đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế-xã hội ở tổ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ và đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa đã tham gia phát biểu. Các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chiến lược ứng phó với thiên tai trong giai đoạn mới trong khi hình thái “đa thiên tai” ngày càng xuất hiện rõ nét.

Nhiều hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão lụtỔn định cuộc sống người dân gắn với phát triển kinh tế- xã hộiTiếp tục hỗ trợ người dân sau mưa bãoNam Đông: Cây chủ lực kinh tế bị thiệt hại nặngKhẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 9Nghĩa cử của người dân thị trấn Lăng Cô trong bão số 9A Lưới: Nghiêm cấm các phương tiện lưu thông qua đoạn đường sạt lở

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ tham gia đóng góp ý kiến tại tổ sáng 2/11

Qua thiên tai, dịch bệnh có nhiều vấn đề đặt ra

Phát biểu thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, chúng ta chưa kịp gượng dậy sau đại dịch COVID-19 lại phải chịu tác động của bão lụt dồn dập tàn phá. Chưa bao giờ tại khu vực miền Trung chỉ trong vòng 10 ngày xuất hiện 5 cơn bão lũ gây thiệt hại nghiêm trọng trên nhiều mặt, trong đó số người tử vong tương đối lớn. Tôi rất tri ân, cảm ơn Đảng, Chính phủ và sự hỗ trợ tích cực của các tỉnh miền Nam, miền Bắc hỗ trợ cho Nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lụt miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế.

Qua dịch bệnh COVID-19, qua lụt bão có nhiều vấn đề cần đặt ra. Công tác phòng tránh vẫn quan trọng nhất. Trong phòng chống bão lụt, ngoài phương châm “4 tại chỗ”, Thừa Thiên Huế có thêm phương châm “tự quản tại chỗ”. Để thực hiện tốt các phương châm trên, cần chuẩn bị hậu cần tại chỗ tốt trước khi bão lụt xuất hiện, nhất là ở các vùng chia cắt, vùng xung yếu, vùng ngập sâu dài ngày. Khi đã bị cô lập cần phát huy vai trò của “4 tại chỗ”. Chính quyền các cấp cần nâng cao năng lực chuyên nghiệp về phương tiện, thiết bị, con người phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt cứu nạn trên biển, trên khu vực sạt lở đồi núi hiểm trở, địa hình, thời tiết phức tạp.

Đề nghị Chính phủ quan tâm nguồn lực cho sự phục hồi ở miền Trung. Chúng ta đã trãi qua thời kỳ hỗ trợ khẩn cấp, khẳng định chính quyền địa phương không để dân đói, dân rét. Vấn đề ở đây là cần hỗ trợ để phục hồi, để tái thiết sản xuất, sữa chữa đường sá, đê kè, chống xâm thực bờ biển… Đề nghị Chính phủ quan tâm chiến lược ứng phó với thiên tai trong giai đoạn mới trong khi hình thái “đa thiên tai” ngày càng xuất hiện rõ nét. Cần có những đánh giá thấu đáo về sự tàn phá của thiên tại, bão lụt để có giải pháp sống an toàn với thiên tai.  

Lâu nay ngành nông nghiệp là cứu cánh trong giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhằm ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần xuất khẩu. Tuy nhiên, bão lụt dồn dập gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực này. Hiện đang là mùa mưa, nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh vẫn còn rất cao, đề nghị Chính phủ phải cân nhắc, thận trọng khi mở cửa trở lại trong thời gian tới.

Để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hội phát triển kinh tế, đề nghị Chính phủ có thêm những chính sách xây dựng hạ tầng ở những khu kinh tế, khu công nghiệp để thu hút đầu tư từ các nước có khả năng dịch chuyển về nước ta.

Bố trí thêm nguồn lực cho các tỉnh miền Trung

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa phát biểu thảo luận 

Phát biểu tại tổ, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, 5 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong chỉ đạo điều hành nền kinh tế-xã hội, đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng. Chúng ta hiện đã có nhiều mặt hàng xuất khẩu về nông nghiệp, trong đó có những mặt hàng đột phá, khơi thông được ngành nông nghiệp. Thứ 2 là chỉ tiêu về một số mặt hàng chiến lược như dệt may, thép, thủy sản… đã cạnh tranh được và thu được những nguồn vốn, nâng cao vị thế trên trường quốc tế…

Trên lĩnh vực văn hóa-thể thao-du lịch đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt là ngành y tế đã có nỗ lực tuyệt vời trong công tác phòng chống dịch COVID-19 với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của người dân. Ví dụ như tỉnh Thừa Thiên Huế nằm giữa 2 địa phương có người mắc dịch là Đà Nẵng và Quảng Trị, tuy nhiên vẫn đứng vứng, không để dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn… Công tác phòng chống dịch của Việt Nam được cộng đồng thế giới công nhận, đánh giá cao và là điển hình cho các nước học tập.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn còn những tồn tại. Đó là Chính phủ cần có kịch bản đánh giá toàn diện thời hậu dịch bệnh COVID-19, cần có đánh giá đúng những ảnh hưởng như thế nào của dịch bệnh tác động đến kinh tế-xã hội của nước ta. Điều thấy rõ nhất là dịch vụ, du lịch ảnh hướng quá lớn, hệ lụy kép theo là dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, vận tải, hàng không… cần được tính toán rõ. Bên cạnh đó có những mặt hàng sản xuất ra nhưng không xuất khẩu được. Khó khăn về việc làm bởi số người mất việc tăng cao cũng cần có sự đánh giá thấu đáo.

Chính phủ cũng cần nghiêm túc có đánh giá lại những công trình trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua khởi công chậm hoặc chưa khởi công được như đường cao tốc phía Tây, Sân bay Long Thành, lý do thế nào?

Một vấn đề nữa là đầu tư công cho miền Trung. Lâu nay nguồn vốn cho đầu tư công ở khu vự này vẫn còn ít, eo hẹp so với miền Bắc, miền Nam. Từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận có rất ít công trình, nhất là công trình phòng chống lụt bão. Đơn cử là Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt vẫn tắc khi xảy ra lũ lụt. Khi ở miền Trung tắc đường thì mọi thông thương đều nghẽn mạch, do đó cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho tuyến đường sắt và đường bộ qua khu vực miền Trung.  

Thái Bình (lược ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Return to top