ClockThứ Hai, 10/02/2020 14:45

Đề xuất tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực báo chí lên 250 triệu đồng

Cơ quan trình dự thảo luật đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, trong đó báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng.

Khai mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hộiViệt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa OSCE và Hội đồng Bảo anLiên minh kinh tế Á-Âu và ASEAN cam kết tiếp tục chương trình hợp tác đến năm 2025Vận tải biển quốc tế 'điêu đứng' vì virus Corona“Đảng Cộng sản Việt Nam - Trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”

Sáng nay (10/2), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ( XLVPHC). Nội dung quan trọng là đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa và bổ sung mức phạt tiền tối đa với một số lĩnh vực.

Chưa có cơ sở?

So với Luật XLVPHC hiện hành, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: Giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các tài liệu trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực. Báo cáo tổng kết thi hành Luật không đề cập đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức phạt tiền tối đa...

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quốc hội

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa về các lĩnh vực này của các cơ quan trong hồ sơ dự án Luật chỉ nêu chung chung là “để bảo đảm tính răn đe, giáo dục”, “tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm”…; ý kiến giải trình cho việc nâng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực chưa cụ thể, thiếu thuyết phục.

“Chưa có cơ sở để xem xét việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đề xuất. Thực tế cho thấy, biện pháp hữu hiệu hơn để bảo đảm tính răn đe và giáo dục của việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) là thực hiện nghiêm nguyên tắc “mọi hành vi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”- cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.

Mặt khác, Ủy ban Pháp luật nhận thấy một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi VPHC (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) được dư luận phản ánh trong thời gian qua và góp ý của một số cơ quan, tổ chức không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật XLVPHC mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp. Báo cáo dẫn vụ sàm sỡ, ép hôn cô gái trong thang máy xảy ra ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, vụ tấn công tình dục xảy ra ở Đông Hà, Quảng Trị bị xử phạt hành chính 200.000 đồng là do Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định.

“Trong khuôn khổ mức phạt tiền tối đa được Luật hiện hành quy định, Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tương ứng để tăng mức phạt đối với hành vi cụ thể, bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa mà không cần thiết phải sửa đổi Luật để nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đó” – Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh và đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực.

Bổ sung mức phạt tiền tối đa nhiều lĩnh vực

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực: Tín ngưỡng, đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng).

Ủy ban Pháp luật tán thành bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng, đối ngoại là 30 triệu đồng, đây là 2 lĩnh vực mới đã được Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật XLVPHC.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là 250 triệu đồng để thống nhất với Luật Sở hữu trí tuệ; tán thành bổ sung lĩnh vực an toàn thông tin mạng để thống nhất với Luật An toàn thông tin mạng, tuy nhiên đề nghị giải trình rõ hơn về căn cứ quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này là 100 triệu đồng.

Đối với lĩnh vực in và cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ phạm vi của 2 lĩnh vực này để không chồng chéo với các lĩnh vực khác, bởi lẽ in xuất bản phẩm, báo chí, hóa đơn, xổ số…; cứu nạn, cứu hộ trong phòng cháy, chữa cháy, giao thông hàng hải, giao thông đường thủy nội địa… đều thuộc lĩnh vực đã được Luật XLVPHC quy định mức phạt tiền tối đa.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền cần 18 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các vị trí qua đường sắt Bắc-Nam

Ngày 23/10, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền thông tin, thực hiện Công văn số 10669/UBND-GT ngày 7/10/2024 của UBND tỉnh về phối hợp hoàn thành các thủ tục điều chuyển vị trí, kinh phí để triển khai xây dựng hầm chui, đường ngang trên đường sắt Bắc-Nam theo Quyết định 1149/QĐ-BGTVT, sau khi tiến hành khảo sát thực tế tại địa phương có 6 vị trí tạo lối tự mở băng qua đường sắt có nguy cơ mất ATGT.

Phong Điền cần 18 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các vị trí qua đường sắt Bắc-Nam
Chính phủ đề xuất điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia

Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, trong đó đề xuất thay đổi với 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh).

Chính phủ đề xuất điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia
Đề xuất phương án khắc phục kỹ thuật liên quan đến các chuyến tàu trật bánh qua địa bàn Phú Lộc

Chiều 12/9, lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên thông tin: Hội đồng kỹ thuật của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa tiến hành phân tích, đánh giá kết luận; đồng thời đưa ra phương án khắc phục hai chuyến tàu bị trật bánh khi qua địa bàn Lăng Cô (Phú Lộc) mới đây.

Đề xuất phương án khắc phục kỹ thuật liên quan đến các chuyến tàu trật bánh qua địa bàn Phú Lộc

TIN MỚI

Return to top