Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giản dị, gần gũi, sâu sát với quần chúng Nhân dân (Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với xã viên Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 1954). Ảnh: Tư liệu
Trong thực tế hiện nay, đi cơ sở vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục.
Trên cương vị đứng đầu Nhà nước, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ít lần đi thăm, làm việc chính quyền, Nhân dân ở nhiều địa phương. Dù là vị lãnh tụ được tôn vinh, ngưỡng mộ, nhưng Người luôn có phong cách hết sức giản dị, quần chúng, sâu sát.
Trong những mẩu chuyện được kể về Bác cho thấy dù đến với nhà máy, trường học hay đơn vị bộ đội, ít khi Người vào nơi được bố trí đón tiếp mà xuống tận nhà ở tập thể, bếp ăn thăm hỏi ân cần, chu đáo những việc dù rất nhỏ. Biểu dương việc làm tốt hay phê bình đều xuất phát từ cái tâm, từ tình cảm và nhãn quan sâu sắc của Người.
Mới những ngày tết vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một chuyến đi cơ sở qua nhiều địa phương để động viên, giao nhiệm vụ và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn ngay hiện trường các dự án đường cao tốc phía đông và sân bay Long Thành. Đây là những dự án trọng điểm cấp quốc gia đã được Quốc hội thông qua, có nguồn kinh phí rất lớn của Nhà nước. Kiểm tra thực tế, Thủ tướng giải quyết ngay tại chỗ về giải phóng mặt bằng, vật liệu, tiến độ thực hiện và chỉ đạo quyết liệt, phòng ngừa tiêu cực, “quân xanh, quân đỏ”, động viên người lao động trong dịp tết.
Trong thực tế, đã có không ít lãnh đạo ở cơ quan Trung ương hay cấp cơ sở thấy ở đâu có khó khăn, vướng mắc đã về trực tiếp chỉ đạo giải quyết, đối thoại trực tiếp, tháo gỡ điểm nóng ngay từ cơ sở.
Ở Huế, Dự án giải tỏa dân cư vùng Thượng thành, Eo bầu với hàng ngàn hộ dân đã “tiêu tốn” thời gian không ít của vị lãnh đạo nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh. Từ thấu hiểu khó khăn của người dân, vướng mắc trong cơ chế để tỉnh phát động xã hội hóa đóng góp xây dựng hàng chục ngôi nhà cho các hộ nghèo.
Lâu nay, lãnh đạo cấp trên ở một vài nơi đi về cơ sở dù là kiểm tra hay đi thực tế vẫn đang còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Có nhiều kiểu khác nhau, nhưng đều có một vài cách thức chung nhất. Khó nhất là xử sự của cấp cơ sở. Khi được thông báo có lãnh đạo về thì đầu tiên là phải chuẩn bị cơ sở đón tiếp, bố trí đi thăm, khảo sát, chưa kể còn phải chuẩn bị nơi nghỉ, tham quan, mời cơm, quà “lưu niệm”...
Hiện nay, hình thức “trống dong, cờ mở”, đón tiếp linh đình đã hạn chế, nhưng “bệnh” phô trương” vẫn chưa phải là hết. Với lãnh đạo cấp cao hoặc nghi thức ngoại giao cần thiết phải có phông, cờ, khẩu hiệu chào mừng, nhưng chỉ đi kiểm tra thực tế cũng gây khó xử khi đón tiếp. Không làm cho có hình thức thì sợ bị đánh giá thiếu tôn trọng, không chu đáo, làm rầm rộ lại sợ phê bình, anh em xì xào... Nhiều khi không đúng ý cấp trên cũng gây khó chịu. Cấp trên đi kiểm tra thì ít nhất cũng có số chuyên viên, lãnh đạo đi cùng, với lãnh đạo có chức vụ cao, nội dung làm việc lớn lại có thêm “bộ sậu” các ngành đi tháp tùng. Đó là chưa kể người phục vụ, lái xe, bộ phận sắp đặt ăn nghỉ khi đi xa, dài ngày. Không thể thiếu dù là kiểm tra hay đi thực tế thì bên dưới cũng phải chuẩn bị sẵn bản báo cáo, có khi chưa biết nội dung chính yêu cầu của cấp trên là gì. Nhiều nơi chỉ vì muốn có thành tích đã chuẩn bị báo cáo liệt kê hết kết quả được cho là “hoàn hảo”, bố trí người phụ họa thật “kêu”, cố tình che hết mọi tồn tại, có khi còn quên nêu khó khăn, vướng mắc cần kiến nghị. Kiểm tra và đi thực tế nhưng nghe báo cáo là cơ bản, xem như đó là yêu cầu chính! Khổ nỗi có nhiều vị lãnh đạo quan liêu, thiếu sát sao nên đánh giá kết luận chung chung, khen nhiều hơn chê, không biết thực tế ra sao và không xử lý vấn đề cơ bản.
Ngày 8/2/2022, trong phiên họp Ban Bí thư ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “Cần tăng cường đi cơ sở, nhưng phải thiết thực. Không phải cốt đi để ra vẻ gần dân, mị dân. Đi là phải giải quyết được vấn đề, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”. Đó vừa là yêu cầu, đồng thời là chỉ đạo về hiệu quả thực chất, tránh hình thức khi đi về cơ sở của cấp trên. Nhắc nhở của Tổng Bí thư không phải là không có lý do trong thực tế, cần phải được đổi mới, chấn chỉnh về nội dung, hình thức.
Trong nguyên lý hoạt động có một phần về kiểm tra của cấp trên đối với hoạt động công vụ của cấp dưới. Tuy không xác định tầm quan trọng của khâu này, nhưng đó là giai đoạn cần thiết tiệm cận với đánh giá kết quả chương trình, kế hoạch của từng đơn vị, địa phương. Không đi thực tế sẽ rất khó cho đánh giá chính xác và không có cơ sở cho chỉ đạo chung. Đi trực tiếp cơ sở đồng thời là dịp để kiểm tra, đánh giá khách quan, chính xác hoạt động, mức độ hoàn thành nhiệm vụ và năng lực điều hành của cấp quản lý bên dưới. Như vậy, đi xuống cơ sở không phải là hình thức mà chính là sự tương tác cộng đồng trách nhiệm trên - dưới; tạo không khí dân chủ đối thoại, kiến nghị, đề xuất từ dưới lên. Cho nên, mỗi lần đi cơ sở phải đề ra chương trình, kế hoạch rõ ràng, xác định mục tiêu, nội dung cần đạt được và rút ra kinh nghiệm cho chỉ đạo chung. Đó là nhiệm vụ cần thiết ở mỗi cấp. Không thể nói thích là đi, không đặt ra mục đích cần đạt được, càng không thể biến công tác này thành kiểu “du lịch” biến tướng.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH