Thảo luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), sáng 7/11, đại biểu Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, đặc xá là chế định thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và hợp lòng dân.
Theo ông Kim, thời điểm xét đặc xá nên vào dịp Quốc khánh 2/9 , Tết Nguyên đán và 30/4. Chủ tịch nước quyết định trên cơ sở tham mưu có tính chất liên ngành, có đề nghị của Chính phủ.
“Chọn 3 thời điểm này để tránh làm quá gấp gáp dẫn đến nảy sinh khuyết điểm trong công tác đặc xá” – ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, đồng thời đề nghị quy định cụ thể tần suất đặc xá từ 3 đến 5 năm một lần để không sinh ra chuyện du di, tuỳ tiện.
Đại biểu Vũ Trọng Kim. Ảnh:Quochoi.vn
Quy định người bị kết án tội tham nhũng phải thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản là chặt chẽ và thể hiện sự nghiêm minh. Đối với trường hợp người bị kết án về tội phạm khác không phải là tội phạm tham nhũng mà đã chấp hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, không thể thực hiện được phần nghĩa vụ còn lại thì vẫn được xét đặc xá. Tuy nhiên, vị đại biểu này đề nghị là rõ “đã chấp hành một phần nghĩa vụ” cụ thể là bao nhiêu.
Đại biểu Mai Khanh – Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện quy định các ngày lễ lớn trong Nghị định 145 của Chính phủ, tuy nhiên, “sự kiện trọng đại” và “trường hợp đặc biệt về lý do đối ngoại” chưa có quy định cũng như giải thích nên nhận được sự quan tâm của đại biểu.
Ông Khanh nhấn mạnh, thời điểm đặc xá và thẩm quyền xem xét đặc xá của Chủ tịch nước là khác nhau. Việc quy định thời điểm không đồng nghĩa với việc cứ đến thời điểm đó có đặc xá mà do Chủ tịch nước quyết định và thực tế nhiều năm qua vẫn thực hiện như vậy.
Về điều kiện được xem xét đặc xá với người lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình cho rằng nên bỏ quy định căn cứ trên quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền mà nên ghi “chưa có điều kiện thi hành án theo luật thi hành án” để tránh lạm dụng thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan.
Với điều kiện để được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định, đại biểu Mai Khanh đề nghị cân nhắc trường hợp “Phụ nữ đang có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi”, nhất là “Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình người đó cư trú” vì dễ bị lạm dụng trong thực tiễn.
“Đánh giá lao động duy nhất là thế nào? Chỉ cần xác nhận của chính quyền cấp xã thì có phù hợp?” – đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị UBTVQH bổ sung thêm một số đối tượng vào diện không được đề nghị đặc xá quy định tại điều 12 của dự thảo luật là phạm nhân đã bị truy nã loại nguy hiểm trở lên mà không tự ra đầu thú, bị bắt.
Đại biểu tỉnh Tuyên Quang cho rằng, việc bổ sung này là cần thiết nhằm phân hóa nhóm phạm nhân này với những phạm nhân khác nhằm đảm bảo công bằng cho những người có án phạt tù có ý thức chấp hành án tốt đồng thời làm thay đổi nhận thức của các đối tượng bị truy nã ra đầu thú để hưởng khoan hồng, góp phần ngăn ngừa tội phạm.
Đại biểu Thúy cũng đề nghị bổ sung đối tượng là tội phạm về ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc vào diện không được đề nghị đặc xá. "Loại tội phạm ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các loại tội phạm khác. Khả năng hoàn lương của các đối tượng này khi trở về địa phương rất thấp. Sau khi trở về địa phương thường gây mất trật tự, an ninh tại nơi cứ trú. Bên cạnh đó, những trường hợp tái phạm sau khi đặc xá chủ yếu tập trung vào số đối tượng này dù trong thời gian chấp hành án họ có thể cải tạo tốt", đại biểu Thúy phân tích.
Theo VOV