Qua 10 năm với 7 lần đặc xá có khoảng 87.000 người được đặc xá, trong đó có 57% có việc làm và thu nhập ổn định khi trở lại cộng đồng. Tỷ lệ tái phạm vi phạm pháp luật trong số người được đặc xá là 1,16%. Từ thực tế này, có đại biểu Quốc hội đề nghị sửa Luật Đặc xá hướng tới bảo đảm ý nghĩa đặc biệt và giá trị khác biệt cơ bản của đặc xá so với chính sách khoan hồng khác, dành cho những người thực sự xứng đáng.
Tạo khác biệt cơ bản về giá trị của đặc xá
Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) đề nghị cân nhắc việc đặc xá chỉ tác động đến chấp hành phần hình phạt chính trong bản án đã tuyên mà không làm thay đổi hình phạt bổ sung, nhất là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân.
Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam)
“Tỷ lệ 57% người được đặc xá có việc làm và thu nhập ổn định phần nào cho thấy con đường hoàn lương không dễ dàng” – nữ đại biểu nhấn mạnh và cho rằng, thực tế không ít doanh nhân, nhà quản lý, người có chuyên môn sâu vướng vào vòng lao lý nhưng khi được đặc xá rồi thì cơ hội mưu sinh phấn đấu của họ tạm thời bị chặn lại bởi hình phạt bổ sung bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Các hình phạt bổ sung này tác động và để lại hậu quả khác nhau đối với người ở những độ tuổi khác nhau.
Theo đại biểu Trần Thị Hiền, để củng cố giá trị nhân văn của chính sách khoan hồng đặc biệt này, việc mở rộng giá trị của đặc xá bao gồm cả xem xét, miễn, giảm một số hình phạt bổ sung nhằm “tiếp lửa” một cách thực chất cho con đường hoàn lương của những người thực sự xứng đáng được đặc xá rất cần được nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo.
Cũng theo vị đại biểu đoàn Hà Nam, nếu coi đặc xá chỉ dành cho những người thực sự ăn năn hối cải, có thành tích tốt trong quá trình chấp hành án thì việc xem xét miễn, giảm hoặc giảm thời gian chấp hành các hình phạt bổ sung nói trên mới thực sự tạo khác biệt cơ bản về giá trị của đặc xá ở khía cạnh tạo động lực, tạo điều kiện thuận lợi để họ có cơ hội phấn đấu hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, điều này cũng đòi hỏi công tác xét duyệt, thẩm định, đề xuất phải chặt chẽ hơn để đặc xá đúng nghĩa là ân huệ đặc biệt dành cho những người thực sự xứng đáng.
Nhiều người có hoàn cảnh éo le, không có tiền thi hành án
Về điều kiện đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng việc xem xét đặc xá đối với trường hợp này cần được giới hạn phạm vi áp dụng với tính chất là trường hợp rất đặc biệt, chỉ nên áp dụng với người có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong quá trình thi hành án.
Theo bà Hiền, thực tế có những trường hợp vào tù cũng đồng nghĩa là mất hết, không có hoặc không còn tài sản, thậm chí không có người thân thăm nuôi, đến khi được trả tự do chỉ còn tay trắng với khoản trợ cấp từ quỹ hoàn lương mà trại giam cấp. Với chính sách nhân đạo của nhà nước, những trường hợp này thực sự cần được quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho rằng với điều kiện "người được đề nghị đặc xá đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền; trường hợp chưa chấp hành xong do Chủ tịch nước xem xét quyết định" thì những người dù cải tạo tốt đến mấy nhưng không đủ điều kiện thi hành hình phạt tiền thì không được đặc xá.
Về quy định điều kiện người được đề nghị đặc xá đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự, theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển là không khả thi và thiếu thực tế. Bởi, một người đã cải tạo tốt thì khi cho họ miễn hình phạt tù họ càng có điều kiện lao động, có thu nhập và có khả năng cao hơn trong thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An)
Dẫn số liệu của Bộ Tư pháp cho thấy từ năm 2015 đến tháng 6/ 2018, tổng số tiền phải thi hành là 104.000 tỷ đồng nhưng thi hành chỉ được 8.000 tỷ đồng (khoảng 8%), còn một khoảng thiệt hại tổn thất lớn chưa được bù đắp, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) nhấn mạnh quy định việc chấp hành nghĩa vụ dân sự thành một điều kiện bắt buộc để xem xét đặc xá là hết sức cần thiết, tạo ràng buộc để người phải thi hành án và người thân của họ nỗ lực, cố gắng thực hiện nghĩa vụ mà bản án đã tuyên.
Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Trang, không nên đánh đồng người có điều kiện thi hành án dân sự nhưng không chấp hành với người không có điều kiện thi hành. Do đó, khi bản án có hiệu lực, có đơn yêu cầu thi hành án phần nghĩa vụ dân sự thì cơ quan thi hành án phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án để phân loại.
“Thực tiễn công tác xác minh của cơ quan thi hành án dân sự cho thấy nhiều phạm nhân có hoàn cảnh gia đình, kinh tế hết sức éo le, không thể có khả năng thi hành án nghĩa vụ dân sự. Đối với trường hợp này theo tôi nên tạo cơ hội trả tự do để họ có điều kiện lao động, thi hành phần nghĩa vụ dân sự mà không cần có sự đồng ý của người được thi hành án” – bà Hoàng Thị Thu Trang nêu đề xuất.
Theo VOV