ClockThứ Bảy, 28/10/2023 07:12

Định hướng phát triển nhìn từ Quy hoạch tỉnh

TTH - Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) có vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng hết sức đặc biệt đối với quá trình phát triển của địa phương. Vừa qua, quy hoạch đã được HĐND tỉnh thông qua, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Từ bản quy hoạch này, định hướng phát triển của tỉnh được nhận diện một cách rõ nét.

Phát triển thị trường lao động để giải quyết việc làm ổn địnhXây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triểnĐổi thay từ du lịch cộng đồng

Nhiều dự án được triển khai thực hiện cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện rõ nét 

Hình hài mới cho Huế

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 và tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết 26 với mục tiêu xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo và thực hiện, đó là về việc xây dựng tỉnh trở thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ định hướng của Nghị quyết 54, tỉnh xây dựng đề án Quy hoạch tỉnh. Nội dung bản quy hoạch cho thấy, Thừa Thiên Huế phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa đô thị - nông thôn - thiên nhiên, thúc đẩy liên kết vùng; được trải rộng và gắn với các công trình văn hóa di sản như: Làng Cổ Phước Tích, Phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, núi Bạch Mã, Hải Vân Quan,... Do đó, mô hình đô thị trực thuộc Trung ương được xác định là tập hợp đô thị di sản văn hóa và cảnh quan, trong đó đô thị Huế (quận phía Bắc, quận phía Nam) là đô thị hạt nhân và các đô thị: Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Chân Mây,… có vai trò hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và các di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.

Thừa Thiên Huế đề xuất mô hình thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương đến năm 2025 với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Đến năm 2030, thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện; trong đó, đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và phần mở rộng đến thị trấn Phú Lộc, các xã ven biển huyện Phú Lộc) đạt tiêu chí đô thị loại III.

Và tầm nhìn năm 2050 Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương với 10 đơn vị hành chính gồm: 4 quận; thành phố Chân Mây; 3 thị xã; 2 huyện; tập trung xây dựng thành phố Chân Mây trở thành đô thị mới, động lực phát triển kinh tế - xã hội sau 2030.

Đồng thời, mô hình đô thị định hướng gắn với việc sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Hiện nay, trong lộ trình phát triển, quy mô kinh tế qua các năm có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, nếu như năm 2020, quy mô đạt 55.000 tỷ đồng thì năm 2022 đạt 66.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 8,56% (cả nước 8,02%). So với quy định tại Nghị quyết 26 của UBTVQH, đã đạt được 1,04 lần của quy định. Kế hoạch phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người là 3.500 USD, tự cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người xấp xỉ bình quân cả nước…

“Để sớm đạt mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã tập trung xây dựng các chương trình, đề án, ưu tiên đầu tư cho mạng lưới hạ tầng quy mô lớn mang tính liên huyện, liên tỉnh, kết nối các hành lang kinh tế, mạng lưới giao thông vùng, khu vực, quốc tế. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh để xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát huy lợi thế đô thị ven biển; gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kiểm tra tiến độ các dự án trên địa bàn tỉnh 

Nền tảng cho đô thị tương lai

Định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của Thừa Thiên Huế không phải có từ bây giờ mà xuất hiện từ năm 1996. Khi ấy, tỉnh cùng TP. Đà Nẵng trình Quốc hội phê chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2004, một lần nữa Thừa Thiên Huế cùng TP. Cần Thơ trình đề án xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương nhưng kết quả không đạt như kỳ vọng. Năm 2009, tiếp tục được Bộ Chính trị ban hành Kết luận 48- KL/TW, song Thừa Thiên Huế vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.

Quy hoạch tỉnh lần này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tại nhiều hội nghị, hội thảo, các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao bản quy hoạch này, song, tạo ra “thương hiệu Huế” - nhìn từ quy hoạch cần phải rõ ràng hơn. KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bảo rằng, đô thị Huế có sự ảnh hưởng và tầm vóc lớn đối với Việt Nam. Do vậy, quy hoạch cũng cần làm rõ hơn thương hiệu của Huế.

Ông Chính cho rằng, trong đề án quy hoạch, tỉnh xác định rõ hơn nữa sự tác động, ảnh hưởng đặt trong tính liên kết vùng, đặc biệt đối với những tỉnh, thành lân cận.

“Huế cần tạo dựng vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm. Liên kết với các tỉnh, thành khác để tạo ra tính bổ sung, tương trợ và cùng phát triển. Đối với tiềm năng của Thừa Thiên Huế, quy hoạch làm thế nào phát huy được giá trị của hệ thống đầm phá Tam Giang, liên kết với khu vực Chân Mây – Lăng Cô và Bạch Mã”, ông Chính gợi mở.

Quy hoạch tỉnh đóng vai trò quan trọng, song để trả lời những vấn đề  mà quy hoạch đặt ra cần có kế hoạch thực hiện cụ thể. Theo TSKH, KTS. Ngô Viết Nam Sơn, đề án Quy hoạch tỉnh đã định hướng phát triển tốt, điều còn lại đó là cơ sở pháp lý đi kèm, đó sẽ là nền tảng để giữ gìn một đô thị văn hóa di sản của miền Trung và cả nước.

“Về mặt kinh tế, Huế cần sự hỗ trợ về mặt pháp lý để kết nối vùng, tạo nên những đô thị mới trong tương lai. Tôi mong rằng, quy hoạch này sớm được phê duyệt và có sự hỗ trợ từ Trung ương để tỉnh có chương trình thu hút đầu tư trong thời gian tới”, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

Mới đây, Quy hoạch tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua. Thảo luận, cho ý kiến về nội dung quy hoạch, HĐND thống nhất cao với nội dung của quy hoạch.

Theo đó, trên cơ sở báo cáo thẩm định Hội đồng thẩm định Quốc gia, những tiềm năng, thế mạnh, các khâu đột phá, phương hướng phát triển, không gian phát triển,... sẽ được tỉnh tiếp tục hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gia sớm nhất, nhằm hướng đến mục tiêu tổng quát là xây dựng trở thành tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

Dừng bước ở tứ kết trước U23 Iraq với tỷ số sít sao 0-1, U23 Việt Nam phần nào cho thấy những nỗ lực lớn, hoàn thành được mục tiêu tối thiểu trong tình thế khó khăn của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển nếu được trọng dụng và tạo điều kiện cọ xát.

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam
Return to top