Trò chơi dân gian bịt mắt bắt vịt tại Ngày hội
Những ngày này, không khí trên các làng quê ở huyện Quảng Điền dường như trở nên rộn ràng hơn, vui tươi hơn, cờ hoa rực rỡ tại các tuyến đường chính, các nhà văn hóa – nơi diễn ra Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân”. Thời tiết dường như cũng thuận lợi hơn cho công tác tổ chức các môn thể thao truyền thống trong ngày lễ hội với các giải đua thuyền, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bịt mắt bắt vịt...
Ngay từ sáng sớm, các cụ cao niên với những bộ áo dài khăn đóng, chị em phụ nữ thì xúng xính trong sắc màu của những tà áo dài truyền thống lần lượt đến nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để tham dự ngày hội.
Dù bận kinh doanh nhưng ông Hồ Văn Tùng, thôn Khuông Phò, thị trấn Sịa cũng sắp xếp thời gian tham dự ngày hội đại đoàn kết của tổ và hơn nữa ông còn là thành viên tham gia văn nghệ tích cực của tổ. Ông Tùng chia sẻ: “Ngày hội chính là dịp để anh em hàng xóm láng giềng, bạn bè gặp gỡ, dự bữa cơm thân mật, hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỷ niệm, những câu chuyện về cuộc sống, gia đình, cùng bàn bạc đóng góp cho sự phát triển của quê hương, thắt chặt tình đoàn kết xóm làng”.
Ông Hoàng Công Phú, thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ cho rằng, ngay từ đầu tháng 11/2022, công việc bình chọn hộ gia đình văn hóa, luyện tập văn nghệ cho ngày hội đại đoàn kết đã được Ban công tác mặt trận thôn triển khai đến toàn thể Nhân dân. Công tác chuẩn bị được bà con nhiệt tình hưởng ứng, từ việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang nhà văn hóa, luyện tập văn nghệ… ai cũng muốn góp chút công sức để ngày hội diễn ra vui vẻ, chu đáo, đúng ý nghĩa là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.
Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền Phan Thị Thanh Phượng cho biết: Thông qua ngày hội, MTTQ các cấp đã đánh giá lại những kết quả đã đạt được qua một năm Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, biểu dương những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động lớn của địa phương. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, gây Quỹ “Vì người nghèo” với kinh phí hàng trăm triệu đồng; qua đó, góp phần động viên Nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Trong Ngày hội, một số khu dân cư đã lồng ghép phát động các phong trào mang tính nhân văn sâu sắc, như: Phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, xây dựng “gia đình văn hóa”; “thôn, tổ dân phố văn hóa”, “thôn, tổ dân phố an toàn về an ninh trật tự”... Qua đó, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa - xã hội, các quy tắc văn hóa ứng xử.
Ông Phan Cảnh Ngưu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quảng Điền đánh giá, thông qua Ngày hội, mọi người dân được công khai nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, đưa ra ý kiến góp phần xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống cộng đồng. Đây cũng là dịp để cấp ủy đảng, chính quyền lắng nghe ý kiến của Nhân dân, từ đó ban hành chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn của đời sống Nhân dân, góp phần thể chế hóa và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thái Bình - Phương Linh