ClockThứ Tư, 09/09/2020 14:20

Doanh nghiệp tư nhân cần hỗ trợ để vượt khó

TTH - 75% doanh nghiệp (DN) vẫn hoạt động, nhưng không cân đối được thu - chi, tức là dòng tiền vào nhỏ hơn chi phí của DN. Tỷ lệ DN phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh là 20%.

Doanh nghiệp thời COVID-19: Bài toán về sự thích nghi

Tỷ lệ DN trả lời phải giải thể chiếm 2% tổng số DN tham gia khảo sát và chỉ có 3% DN cho biết không bị ảnh hưởng hoặc vẫn cân đối được thu - chi... là những con số được công bố sau cuộc khảo sát lần thứ ba được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tiến hành giữa tháng 8, sau khi đợt dịch thứ hai bùng phát trở lại.

Tỷ lệ DN phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh là 20%. Ảnh minh họa: ĐQ

Điểm mấu chốt là ở chỗ, 81% DN tham gia khảo sát cho biết, thời điểm hiện tại và trong vòng 6 tháng tới, họ không có khách hàng hoặc đơn đặt hàng. Tiền thuê đất - đối với những DN đang phải thuê đất - để làm kho bãi, nhà xưởng, văn phòng hiện đang được xem là một gánh rất nặng. Bên cạnh đó là những hệ lụy kéo theo khác như chi phí trả lãi vay ngân hàng, chi phí cho nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào và các khoản chi khác liên quan đến người lao động như lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn… 72% DN ở cuộc khảo sát lần này cho hay đã bị tác động bởi những điều này.

Trả lời phỏng vấn của Báo Đầu tư, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV cho hay, sức chống chịu của phần lớn DN hiện rất mỏng; nếu tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu không có tín hiệu khả quan hơn, thì số DN phải đóng cửa tạm thời hoặc giải thể sẽ còn tăng. Dù vậy, vậy có một thông tin khá tích cực là có đến 85% trong số các DN tham gia khảo sát cho biết đã ít gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào. Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, điều này phản ánh sự nỗ lực và chủ động “tái cấu trúc nguồn cung” của các DN nhằm hạn chế tối đa khủng hoảng về nguyên liệu.

Việc kiến nghị, đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định các biện pháp miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản chi chưa “thiết yếu” để đảm bảo sức khỏe cho DN như chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện, kinh phí công đoàn, các khoản thuế và tiền thuê đất năm 2020…trong bối cảnh khó khăn hiện tại của các DN là điều dễ được nhận thấy và cảm thông. Bên cạnh đó là những mong muốn, chia sẻ của cộng đồng này như đồng hành với việc giãn, hoãn, khoanh nợ để DN không rơi vào nhóm "nợ xấu" của ngân hàng; cải tiến thủ tục thuận lợi hơn để các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tiếp cận được các chính sách đã được Quốc hội thông qua; đồng thời với mong muốn có gói vay ưu đãi mới với lãi suất thấp...

Trong “trạng thái bình thường mới”, với những khó khăn của hầu hết các nền kinh tế trên diện rộng, những điều này cho thấy mong muốn của khối DN tư nhân trước những áp lực đang có. Hiểu theo một nghĩa khác, điều này cũng có nghĩa DN ở khối này cần có sự tiếp sức, “chống lưng” theo nghĩa tích cực để duy trì  hoạt động. Đồng thời, cũng là một liệu pháp quan trọng để hạn chế được những ảnh hưởng đặc biệt lớn và tiêu cực cho nền kinh tế, như kiến nghị của người có trách nhiệm của Ban IV khi chia sẻ về kết quả của đợt khảo sát vừa được thực hiện.

 An Bình Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top