ClockThứ Tư, 14/12/2022 15:08
KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG “ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” (12/1972 – 12/2022)

Đòn quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán Paris

TTH - Ngay trong lòng nước Mỹ, phong trào xuống đường, phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của chính quyền Nixon ngày càng tăng, nhất là các cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Việt Nam. Đồng thời, nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới kịch liệt lên án cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Hoa Kỳ.

Nhà lãnh đạo tài năng với cuộc đàm phán Paris lịch sử

Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận Điện Biên Phủ trên không. Ảnh: Tư liệu

Bước sang năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam có bước phát triển mới. Ở miền Nam, với cuộc tiến công chiến lược trên 3 hướng chiến trường trọng điểm Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, quân và dân ta đã tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của Hoa Kỳ và quân đội Sài Gòn, giải phóng tỉnh Quảng Trị (5/1972) và giành quyền kiểm soát trên nhiều địa bàn quan trọng khác, đẩy chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Hoa Kỳ đến bờ vực phá sản.

Cùng với đó, hội đàm Paris diễn ra hết sức quyết liệt, buộc Tổng thống Nixon phải chọn giải pháp xoa dịu tình hình, tranh thủ lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào cuối năm. Vì vậy, ngày 8/10/1972, Nixon tuyên bố nối lại các cuộc thương lượng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Paris; thông qua dự thảo Hiệp định "Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" và thống nhất thời gian ký tắt và ký chính thức Hiệp định. Tuy nhiên, những hành động của Nixon chỉ nhằm đánh lừa dư luận, tạo điều kiện cho ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (11/1972), còn bản chất ngoan cố và hiếu chiến thì không thay đổi.

Thực tế, ngay sau khi đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ II, Nixon tìm mọi cách trì hoãn việc ký kết Hiệp định như đã hứa, mà còn yêu cầu phái đoàn ta phải sửa đổi những điều rất cơ bản trong hiệp định theo hướng có lợi cho chúng. Thực chất, đây chỉ là cớ để Hoa Kỳ dừng cuộc đàm phán, chuyển sang thực hiện một “đòn quân sự quyết định” để có thể "nhanh chóng buộc Chính phủ Việt Nam phải trở lại Hội đàm Paris, chấp nhận các đòi hỏi có lợi cho Hoa Kỳ". Mặt khác, khẩn trương lập cầu hàng không, ồ ạt đưa vào miền Nam một khối lượng lớn vũ khí, phương tiện chiến tranh và đốc thúc quân đội Sài Gòn đẩy mạnh các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Nhằm thực hiện âm mưu đè bẹp tinh thần chiến đấu của Nhân dân Việt Nam và giành ưu thế trên bàn đàm phán, ngày 14/12/1972, Nixon quyết định mở chiến dịch Linebacker II, dùng máy bay chiến lược B-52 từ các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Thái Lan, Guam, Philippines tiến công hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng, cùng nhiều nơi ở miền Bắc, nhằm đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá.

Trong tình thế đó, buộc Việt Nam phải có một cuộc quyết chiến chiến lược trong cuộc đối đầu lịch sử mới có thể đi đến kết thúc chiến tranh, đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cuối năm 1967: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Trong suốt 12 ngày đêm (từ 18/12-29/12/1972), chính quyền Nixon huy động một lực lượng không quân chiến lược khổng lồ, với gần 200 máy bay B-52, 30 máy bay F.111 và toàn bộ máy bay tiêm kích ở Đông Nam Á (hơn 1.000 chiếc), 6 liên đội tàu sân bay, 50 máy bay KC.135 tiếp nhiên liệu trên không... mở cuộc tập kích quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng, phá hủy nhiều khu phố, làng mạc, nhà cửa, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học... gây thiệt hại lớn về người và cơ sở vật chất kỹ thuật của ta ở miền Bắc.

Hoa Kỳ cho rằng: “Đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của loại B-52 bất khả xâm phạm”. Đây là sự lựa chọn cực kỳ thâm độc và dã man của Nixon. Cuộc tập kích của không quân chiến lược Hoa Kỳ vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi trên miền Bắc vào cuối tháng 12/1972 hoàn toàn nằm trong sự tính toán kỹ lưỡng của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, bất chấp sự phản đối, lên án mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước. Đó là nỗ lực cuối cùng, phản ánh sự bất lực của Hoa Kỳ trong cuộc đấu trí, đấu lực với Nhân dân Việt Nam, đúng như sử gia Mỹ Gabriel Kolko đã nhận xét: "Điều duy nhất mà Nhà Trắng đã làm là tỏ ra có đầy đủ khả năng để dùng sức mạnh không quân hòng ép buộc một hiệp định hòa bình”.

Nhờ sự theo dõi, chuẩn bị sát sao, trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã bắn rơi 81 máy bay hiện đại thuộc không quân chiến lược và không quân chiến thuật của Mỹ, phần lớn rơi tại chỗ. Trong đó, có 34 máy bay chiến lược B-52, phần lớn thuộc B-52D và B-52G, tức loại máy bay chiến lược có trang bị điện tử tối tân của Mỹ; 5 máy bay F.111; 42 máy bay phản lực hiện đại của Hải quân Mỹ và các loại khác; tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Trong đó, có đủ sĩ quan từ cấp Trung tá trở xuống; bắn cháy 8 tàu chiến Mỹ... Và chính Nixon trong hồi ký của mình cũng thừa nhận: “Điều lo ngại chính của tôi trong tuần lễ ném bom đầu tiên không phải là những đợt phản đối của trong nước và thế giới, mà chính là thiệt hại nặng nề của B-52”.

Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng… là sự thể hiện sinh động sức mạnh tổng hợp của ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. Trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên không” là cuộc đọ sức thực sự giữa hai bên, không chỉ là vũ khí, trang bị hiện đại mà còn cả ý chí, quyết tâm và trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là đòn đánh quyết định cuối cùng buộc Hoa Kỳ phải chấp nhận nối lại đàm phán và nhanh chóng ký Hiệp định Paris, kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam vào ngày 27/1/1973.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam chuyển giao vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Paris cho Brunei

Ngày 6/9, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã chủ trì cuộc họp Ủy ban ASEAN tại Paris (ACP) và lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch luân phiên của ACP cho Đại biện Đại sứ quán Brunei. Tham dự sự kiện có các Đại sứ, Đại biện và cán bộ Đại sứ quán các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Pháp.

Việt Nam chuyển giao vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Paris cho Brunei
Olympic bị tác động bởi biến đổi khí hậu

Theo một nghiên cứu vừa được công bố ngày 31/7, đợt nắng nóng gay gắt đã bao trùm phần lớn Địa Trung Hải vào tháng trước và khiến các vận động viên cũng như người hâm mộ tại Olympic Paris phải vật lộn để ứng phó, sẽ không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu do hoạt động của con người.

Olympic bị tác động bởi biến đổi khí hậu
Return to top