ClockThứ Hai, 10/10/2022 06:01
KỶ NIỆM 111 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC THỌ (10/10/1911-10/10/2022)

Nhà lãnh đạo tài năng với cuộc đàm phán Paris lịch sử

TTH - Năm tháng trôi qua, nhưng dấu ấn ngoại giao của nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ tại cuộc đàm phán Paris (1968 - 1973) vẫn hết sức đậm nét, như lời của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: “Lê Đức Thọ là một nhà ngoại giao khổng lồ”.

Lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc nhất trí cải thiện quan hệ song phươngMỹ, Nhật Bản dự kiến ​​tổ chức hội nghị thượng đỉnh trong tháng 9Các nhà lãnh đạo Việt Nam gửi điện mừng Quốc khánh Triều Tiên

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Lê Đức Thọ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã có nhiều năm hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, từng giữ nhiều trọng trách trong Đảng và một trong những dấu ấn sâu đậm là khi ông được giao nhiệm vụ Cố vấn đặc biệt đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đồng chí Lê Đức Thọ gặp gỡ các đại biểu về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh năm 1976. Ảnh: TL

 

Trọng trách

Tháng 5/1968, khi đang đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Lê Đức Thọ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gọi gấp về Hà Nội, để chuẩn bị sang Paris làm cố vấn cao cấp đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (DCCH) tại Hội nghị Paris. Cùng với việc cử ông Lê Đức Thọ làm “cố vấn đặc biệt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ký sắc lệnh phân công ông Xuân Thủy làm Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán.

Khi ấy, lực lượng kháng chiến Việt Nam có 2 đoàn tham gia hội nghị là đoàn Việt Nam DCCH do Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy làm trưởng đoàn và đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam do Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn. Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời (CMLT) Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao, được cử thay thế làm trưởng đoàn thay ông Trần Bửu Kiếm nhận chức Bộ trưởng Phủ Chủ tịch Chính phủ.

Khi bắt đầu hội đàm Paris, một trong những nội dung khó khăn nhất là việc phía Mỹ phải công nhận MTDTGP miền Nam Việt Nam là một bên đàm phán. Trên bàn hội nghị, dù phía cách mạng Việt Nam trên danh nghĩa có 2 đoàn là Việt Nam DCCH và MTDTGP miền Nam Việt Nam, song theo bà Nguyễn Thị Bình, “về mặt chính trị, ngoại giao chúng ta đã thiết lập một thế trận “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Và người lãnh đạo cao nhất trong đàm phán này ở Hội nghị Paris của cả hai đoàn Việt Nam là Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Trước khi đoàn đàm phán lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đừng để nước Mỹ bẽ bàng, đừng xúc phạm Nhân dân Mỹ vì Việt Nam chỉ chiến đấu với giới cầm quyền hiếu chiến của Mỹ, về nguyên tắc quyết không nhượng bộ song về phương pháp thì dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Trong hồi ký, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho biết, năm 1972, để đánh lừa dư luận Mỹ trước bầu cử rằng chính quyền Nixon đang sắp đạt được một giải pháp chính trị cho chiến tranh Việt Nam tại Paris, phía Mỹ đồng ý cùng với Việt Nam DCCH đi vào đàm phán “bí mật”. Cuộc đấu trí lịch sử giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Kissinger bắt đầu.

Trước đó, khi Hội nghị Paris ngày càng tỏ rõ dấu hiệu căng thẳng, ngày 21/2/1970, phái đoàn Việt Nam DCCH gồm Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy đã có cuộc tiếp xúc chính thức với phái đoàn Mỹ gồm Kissinger, Richard Smyer - chuyên gia về vấn đề Việt Nam và tướng V. Walters. Sau cuộc tiếp xúc này, bắt đầu diễn ra các cuộc đàm phán riêng, bí mật giữa Lê Đức Thọ và Kissinger - Cố vấn đoàn đàm phán phía Mỹ (và cho cả chính quyền Sài Gòn), một người được xem là bộ óc thông thái của nước Mỹ. Tuy nhiên, sau này, đã có lúc Kissinger phải thốt lên: “Tôi có thể làm tốt hơn nếu như đối diện trên bàn đàm phán không phải là ông Lê Đức Thọ, đàm phán với ông Thọ quả là cân não”.

Dấu son trong lịch sử ngoại giao Việt Nam

Cho tới năm 1972, với 166 phiên họp (138 phiên họp bốn bên và 28 phiên họp hai bên), Hội nghị Paris về Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề gì nhằm có thể chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như mục đích đề ra.

Không dễ dàng chấp nhận thua cuộc, phía Mỹ nhiều lần trì hoãn hoặc đưa ra những đòi hỏi phi lý. Để gây áp lực và buộc Việt Nam DCCH phải chấp nhận ký kết hiệp định với những điều khoản có lợi cho phía Mỹ và chế độ Sài Gòn, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh bắn phá miền Bắc Việt Nam vào cuối năm 1972. Nhưng, thất bại thảm hại trên bầu trời Hà Nội đã buộc phía Mỹ phải xuống thang và đề nghị Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán.

Trở lại Paris, trong cuộc họp với phía Mỹ ngày 8/1/1973, Cố vấn Lê Đức Thọ đã nghiêm khắc lên án sự lật lọng từ phía Mỹ đã gây ra đợt ném bom hủy diệt miền Bắc Việt Nam trong mùa Noel năm 1972. Sau gần một tháng nối lại đàm phán, đến ngày 27/1/1973, bốn ngoại trưởng của bốn bên, gồm Việt Nam DCCH, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã ký chính thức Hiệp định Paris, kết thúc cuộc đàm phán lịch sử kéo dài 5 năm với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn. Từ Hiệp định này, quân xâm lược Mỹ đã phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam, dẫn đến ngày toàn thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngay trong năm 1973, Ủy ban Giải thưởng Nobel quyết định trao “Giải Nobel Hòa bình” cho đồng chí Lê Đức Thọ. Nhưng, với bản lĩnh và sự nhạy cảm của mình, đồng chí Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải.

Theo nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Cái khó trong ngoại giao đối với nhà đàm phán là lúc nào thì “nhu”, lúc nào thì “cương’’, thậm chí lúc nào thì nặng lời với đối phương. Ông Lê Đức Thọ đã thành công trong việc ứng xử linh hoạt này, đóng góp quan trọng vào thành công của Hiệp định Paris - một dấu son chói lọi trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.  

 NHẬT NGUYÊN (Tổng hợp)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20:
Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu

Tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), từ ngày 18 - 19/11, các nhà lãnh đạo sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững”, nhằm giải quyết một loạt vấn đề từ đói nghèo đến cải cách các thể chế toàn cầu.

Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu
Tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử:
Cách làm hay ở Kim Long

Đảng ủy phường Kim Long (TP. Huế) đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng địa phương. Đây là hình thức truyền thông giáo dục sinh động, không chỉ giúp lan tỏa giá trị lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân…

Cách làm hay ở Kim Long
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top