Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 10 để cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết này Bảng phân công cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và các dự án được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; dự kiến tiến độ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Theo Bảng phân công, các dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) gồm: Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (cơ quan chủ trì soạn thảo: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cơ quan chủ trì thẩm tra: Ủy ban Kinh tế); Luật Đấu thầu (sửa đổi) (cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cơ quan chủ trì thẩm tra: Ủy ban Tài chính, Ngân sách); Luật Giá (sửa đổi) (cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Tài chính; cơ quan chủ trì thẩm tra: Ủy ban Tài chính, Ngân sách); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) (cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Thông tin và Truyền thông; cơ quan chủ trì thẩm tra: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) (cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cơ quan chủ trì thẩm tra: Ủy ban Kinh tế); Luật Phòng thủ dân sự (cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Quốc phòng; cơ quan chủ trì thẩm tra: Ủy ban Quốc phòng và An ninh).
Các dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) là: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trong đó, với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Xây dựng và Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra. Với Luật Nhà ở, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Xây dựng và Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra. Với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan chủ trì thẩm tra...
Các dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cơ quan chủ trì thẩm tra: Ủy ban Xã hội); Luật Lưu trữ (sửa đổi) (cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Nội vụ; cơ quan chủ trì thẩm tra: Ủy ban Pháp luật).
Về tiến độ, dự kiến, tại phiên họp tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các dự án: Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Các dự án: Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi) dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2022.
Đáng chú ý, Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 3/2023. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trong phiên họp tháng 8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua các dự án gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Nghị quyết nêu rõ: Cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những biện pháp đã được Quốc hội quyết định trong Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc và định kỳ hằng tháng báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết này.
Theo TTXVN/Báo Tin tức