ClockThứ Sáu, 08/07/2022 14:31

Gỡ khó giúp ngư dân bám biển

Trước thực trạng 40-50% tàu cá trong cả nước ngừng hoạt động làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để có chính sách phù hợp hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá xăng dầu.

 Việt Nam là quốc gia ven biển, nghề đánh bắt thủy sản gắn bó bao đời với hàng triệu ngư dân và được xác định là một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước. Nghề đánh bắt thủy sản không chỉ đảm bảo cung ứng các mặt hàng hải sản cho tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. Những con tàu vươn khơi bám biển còn là những “cột mốc” khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao hiệu quả đánh bắt. Đặc biệt, từ năm 2014, Chính phủ có Nghị định 67 với mục tiêu hiện đại hóa tàu cá, vươn khơi bám biển dài ngày. Những “con tàu 67”  đã tạo động lực cho ngư dân đầu tư và tạo năng lực mới của đội tàu đánh bắt xa bờ của nước ta. Riêng Thừa Thiên Huế, đội tàu đánh bắt xa bờ, tàu hậu cần công suất từ 90CV-1.100 CV đến nay đạt trên 400 chiếc, chưa kể hàng nghìn tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ.

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, thời gian qua một số tàu cá đánh bắt không hiệu quả, phải nằm bờ. “Cơn bão” COVID-19 kéo dài hơn 2 năm qua, tiếp tục bồi thêm đòn nữa khiến các ngư dân đã khó lại càng khó hơn. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 giá xăng dầu tăng mạnh khiến hoạt động vươn khơi bám biển của ngư dân gặp muôn vàn khó khăn. Theo tính toán của ngành thủy sản, tiền xăng dầu chiếm 2/3 tổng chi phí vươn khơi đánh bắt hải sản. Tàu càng to thì lỗ càng lớn, có chuyến lỗ cả trăm triệu đồng nên ngư dân cho tàu nằm bờ là điều không tránh khỏi. Tàu nằm bờ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân mà còn tác động đến cả nền kinh tế, khi nguồn cung thực phẩm bị thiếu hụt, đẩy giá thực phẩm tăng cao.

Gỡ khó khăn cho ngư dân bám biển cũng được đặt ra trên nghị trường trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 7/6/2022 vừa qua. Nhiều giải pháp được các tư lệnh ngành công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn giải trình và đề xuất. Cách đây 2 ngày (ngày 6/7), tại phiên họp bất thường Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500-1.000 đồng/lít đối với xăng dầu các loại.  Việc tiếp tục điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần tác động giảm giá bán lẻ xăng dầu, giảm bớt chi phí đầu vào cho nền kinh tế nói chung và ngư dân nói riêng.

Ngoài giá xăng dầu tăng cao, ngành thủy sản còn nhiều khó khăn khác cần được chia sẻ, từ nâng cấp hạ tầng nghề cá, nâng cao năng lực đánh bắt, bảo quản thủy sản đến các chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho chủ tàu, hỗ trợ bảo hiểm tàu cá, hỗ trợ đột xuất khi tàu cá phải nằm bờ do hoạn nạn, dịch bệnh…

Chẳng hạn, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do công nghệ bảo quản còn hạn chế, hạ tầng các cảng không đáp ứng nên lượng thủy sản thu hoạch của ngư dân có thể mất đi 30%. Đây là tỷ lệ khá cao so với các nước có trình độ đánh bắt tiên tiến, hạ tầng nghề cá hoàn thiện. Nếu giảm mức tổn thất thì hiệu quả đánh bắt của ngư dân sẽ nâng lên rõ rệt. Vấn đề này đã được Chính phủ nhìn nhận và quan tâm đầu tư. Với Thừa Thiên Huế dự án cảng cá Thuận An mới kết hợp với khu neo đậu trú bão, có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng đang được hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng, giúp ngư dân giảm bớt chi phí, tổn thất trong quá trình khai thác thủy sản.

Tuy nhiên, trước những thách thức và xu thế phát triển, về lâu dài ngành thủy sản cũng cần tính toán để tái cơ cấu, xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản bền vững theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng trên biển theo công nghệ hiện đại…

HOÀNG MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trạm chờ tiếp nước giúp giảm rác thải nhựa

Từ năm 2023 đến nay, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam đã tài trợ tổng cộng 9 trạm nhà chờ và máy cấp nước uống miễn phí tại các địa điểm di sản và điểm du lịch, với kỳ vọng giảm rác thải nhựa từ hoạt động du lịch.

Trạm chờ tiếp nước giúp giảm rác thải nhựa
“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế
Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng

TIN MỚI

Return to top