Phân tích tiềm năng, hiện trạng, đề xuất định hướng phát triển cho thời gian sắp đến để sớm hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị... là mục tiêu của tỉnh trong kế hoạch tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, với chủ đề “Nông nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao” được tổ chức trong tháng 7 tới.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề được đặt ra từ lâu trên phạm vi cả nước. Với Thừa Thiên Huế, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt từ đầu năm 2016. Theo đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị cao và thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có lợi thế của tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.
Với định hướng đó, thời gian qua, tỉnh có nhiều giải pháp đồng bộ, từ rà soát, điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn một số sản phẩm chính có lợi thế để lập dự án làm cơ sở đầu tư phát triển đến ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh… Nhờ đó, ngành nông nghiệp có sự chuyển hướng phù hợp hơn với thị trường, bước đầu hình thành một số vùng chuyên sản xuất lúa theo hướng hàng hóa; phát triển chăn nuôi quy mô tập trung; sản xuất rau, hoa trong nhà kính…
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra các quốc gia, địa phương thành công trong phát triển nông nghiệp thì chúng ta còn nhiều điều để học tập. Ở tầm quốc tế, một số nước được biết đến nhờ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; thậm chí trở thành thương hiệu quốc gia. Chẳng hạn, hoa tuy líp của Hà Lan, rượu vang của Pháp, thịt bò của Úc, Nhật Bản… Ngay ở trong nước, chưa nói đến các vùng lâu nay nổi tiếng về gạo, cà phê, chè, điều, cá tra, tôm… thì việc Sơn La mới đây nổi lên là một vùng trồng cây ăn quả nổi tiếng cũng là điều đáng học tập. Từ một tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, Sơn La đã phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản chủ lực, có khả năng cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế.
Với Thừa Thiên Huế, việc nhận diện, lựa chọn sản phẩm chủ lực gắn với thế mạnh của từng vùng được xác định, như: trồng cây lấy gỗ, cây công nghiệp, cây lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm, cá, rau màu các loại… Nhưng với một địa phương có nhiều loại địa hình khác nhau, nhiều sản phẩm nổi tiếng, nếu không xác định rõ cái nào là lợi thế, mũi nhọn dễ dẫn đến đầu tư dàn trải, không tạo ra những sản phẩm chủ lực mang tính riêng có của Huế.
Trong bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần có lời giải là tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Đây là điểm yếu không riêng của Thừa Thiên Huế. Chính vì vậy cần có sự liên kết chặt chẽ, hình thành các chuỗi giá trị nông đặc sản địa phương. Trong chuỗi giá trị đó cần có sự tham gia của chủ thể sản xuất, phân phối, người tiêu dùng và nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước. Đi đôi với đó là giải quyết bài toán dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đây là những khâu quan trọng trong việc gỡ “nút thắt” để thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh, thuận lợi trong việc áp dụng khoa học công nghệ, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hoàng Minh