ClockChủ Nhật, 13/10/2024 06:56

Ăn khuya ở Huế

TTH - Khi đồng hồ điểm những giây phút chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới, ở nhiều góc phố của xứ Huế vẫn nhộn nhịp khách ăn khuya. Những vị khách ấy đa phần là người trẻ, sinh viên, người đi du lịch đã góp phần làm cho góc phố của Huế không còn ngủ sớm.

Chiếc áo lưu niệm Huế “sống lại”

 Khách đến phố ẩm thực đêm đường Trương Định

Gần 11 giờ đêm, góc phố ẩm thực đêm đường Trương Định (TP. Huế) càng thêm sôi động. Giữa vài hạt mưa lất phất ngày Huế chuyển trời, làn khói từ bếp nướng trứng, bắp, khoai bay lên khiến nhiều vị khách cảm thấy thú vị. Không có bàn ghế chỉn chu như những quán ăn mà chỉ là những chiếc bàn, ghế nhựa nhỏ nhưng phố ẩm thực đêm lại hút khách. Qua trò chuyện mới biết, “khách ruột” ở đây chủ yếu là các bạn trẻ, sinh viên, khách du lịch ghé lại ăn khuya.

Cuộc sống hiện đại kéo theo nhịp sống ở Huế về đêm có phần thay đổi so với nhiều năm trước. Trong đó nhu cầu làm việc về đêm và ăn đêm, ăn khuya cũng trở thành một thói quen thường ngày của không ít người, nhất là giới trẻ, khách du lịch, những công nhân làm việc về đêm. Kéo bàn ngồi cạnh một chị chủ xe bánh đồ ăn vặt ở đây, vừa nướng đồ, chị vừa kể, mỗi năm Huế đón hàng chục ngàn sinh viên đến và ở lại học tập. Điểm đặc trưng của rất nhiều bạn trẻ là sống về đêm. Có những khách quen đến nỗi, cứ 1 tuần hoặc vài ngày, lại rủ nhau ra đây ăn vài củ khoai, trái bắp, vài con cá bò nướng để trò chuyện rồi về ngủ. Mỗi món ăn ở đây đều rẻ, hợp túi tiền sinh viên, nên các em đỡ lo. Xe hàng của chị nhờ vậy cũng được khách.

 

Hiện nay, Huế có nhiều điểm ăn khuya cho giới trẻ. Ngoài phố ẩm thực đêm đường Trương Định, khu phố Tây (tuyến đường Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu) nổi tiếng không ngủ hay phố bánh canh Hàn Thuyên, thì những hàng quán bán trứng lộn um bầu và các món ăn từ món trứng này ở đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Khuyến cũng tấp nập khách. Một góc phố khác ở đường Phan Chu Trinh, gần cầu Kho Rèn cũng hút khách tới lui để ăn vặt, từ các món chân gà, cánh gà nướng, bánh tráng trộn... đến các món sữa đậu nành, sữa đậu ván, sữa bí đỏ…

Tôi có không ít lần trải nghiệm những điểm ăn khuya và trong không gian chật hẹp này làm quen được vài “tín đồ” ăn khuya ở Huế. Nguyễn Hải An, sinh viên của một trường đại học chia sẻ: “Đồ ăn chưa hẳn là cực phẩm, nhưng ăn khuya ở Huế vẫn có những nét thú vị. Ngồi giữa thành phố về đêm, giữa làn khói sương buông xuống, bên bếp lửa nướng khoai, bắp và trò chuyện và ngắm phố phường với người yêu, bè bạn, có cảm giác gì đó rất hay. Ăn khuya vì thế với nhiều bạn trẻ tụi em không phải để no bụng, mà để tìm thứ cảm xúc ấm áp vào những ngày xa nhà đến Huế để học”.

Những vị khách du lịch tìm đến ăn khuya ở Huế cũng không phải vì chưa ăn tối, mà đa phần họ muốn trải nghiệm về một Huế rất khác. Bạn Trần Thị Thiện Mỹ, đến từ Phú Yên chia sẻ: “Ở khách sạn vẫn có mì tôm và đồ ăn, nhưng xem đánh giá trên mạng, em quyết định phải tìm một góc Huế không ngủ sớm. Ngồi gần 2 giờ ở chỗ ăn đêm, phải thú thật là thấy Huế về đêm chuyển động hơn so với trước”.

Những hàng quán ăn khuya có thể bán đến tận 2-3 giờ sáng, hễ còn khách là còn bán. Ấy vậy mà hè cũng như đông, vẫn luôn có khách tìm đến. Giữa thời buổi công nghệ phát triển, mỗi món ăn được gọi lên là một bức ảnh ra đời, cứ thế vừa ăn, vừa chụp ảnh check-in “tọa độ” ăn khuya, vừa chụp ảnh món ăn đăng lên mạng xã hội, dần hình thành trào lưu ăn khuya của giới trẻ.

Có đôi lần, ngồi ở những hàng quán ăn khuya, thấy khách đông, nhiều khách vào sau phải đợi. Mất thời gian hàng chục phút mới ra món, thế nhưng nhiều bạn trẻ không tỏ ra bực dọc hay chán nản muốn về. Họ vẫn cười nói, thời gian với họ như ngừng lại. Đêm ở những góc phố Huế vì thế dường như sôi động và khác lạ hơn.

Một số người bảo, Huế nay đã thay đổi, không còn là Huế ngủ sớm. Xét về góc độ phát triển, đó là một tín hiệu tích cực cho Huế. Có điều những người bán hàng ăn và cả khách muốn duy trì nhịp sống này nhưng vẫn giữ nét đẹp cho Huế thì cần chú ý vấn đề môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự, môi trường du lịch. Ngày càng nhiều vị khách đến Huế tìm đến những hàng quán ăn khuya, phố ẩm thực đêm không phải để lót dạ mà tìm hiểu thêm một nét văn hóa của Huế. Do đó lời ăn, tiếng nói và cả cách giữ gìn vệ sinh cho thành phố xanh - sạch - sáng cũng là cách thể hiện một tình yêu với Huế - mảnh đất luôn thân thiện, chào đón mọi người.

Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăm cá mùa nước lên

Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

Tăm cá mùa nước lên
Check-in “tọa độ” mới

Ngày nghỉ, dịp cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, giới trẻ lại có thói quen tìm những “tọa độ” mới để bổ sung cho mình bộ sưu tập ảnh sống ảo. Thay vì bỏ công tìm những địa điểm vui chơi xa, gần đây, nhiều bạn trẻ chuyển hướng lựa chọn các điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm để check-in ngay trong thành phố.

Check-in “tọa độ” mới
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
Return to top