Chúng ta dễ dàng nhận thấy dịch cúm Corona chủng mới đã tác động rất mạnh vào mọi mặt của đời sống. Đa số người dân lo ngại và cảnh giác cao độ trong việc phòng bệnh: hạn chế tụ tập nơi đông người, tự giác đeo khẩu trang; mua nước rửa tay y tế…
Cứ nhìn vào những “biểu hiện bên ngoài”, thấy tinh thần cảnh giác của người dân, các quyết định hợp lý của chính quyền, chúng ta cảm thấy phần nào yên tâm. Tuy nhiên, thực tế, ở mọi nơi có hoàn toàn như vậy?
Trở lại bản tin được nêu ở đầu bài. Trong khi lời của bản tin thì được đưa như nêu trên, song hình ảnh chạy trên màn hình lại nói lên điều ngược lại – cả một đoàn người dài rồng rắn lên Đền Hùng. Ở đây có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất là lỗi do sơ suất của người biên tập – nếu sử dụng hình tư liệu thì phải ghi chú là “hình tư liệu” để người xem biết. Nếu như những hình ảnh trên là thực tế được cập nhật tại Đền Hùng trong một khoảng thời gian nào đó, thì bản tin nêu trên đã mắc lỗi về mặt kỹ năng làm báo! Với riêng tôi, bản tin nêu trên đã phản tác dụng truyền thông.
Khuyến cáo, ban hành những chỉ thị là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Phản ứng kịp thời, nhanh nhạy là điều hết sức quan trọng. Song, sự hợp tác của người dân, có thể nói còn quan trọng hơn bởi chính người dân là người thực hiện. Ở đây, chúng ta thấy, chuyện cảnh giác của người dân có những biểu hiện nửa vời. Các lễ hội được quyết định tạm hoãn, nhưng có những nơi dù không tổ chức khai hội, người đến vẫn đông. Nghĩa là, về mặt hành chính chúng ta đã đạt yêu cầu. Song thực tế thì không phải vậy. Mục đích không tụ tập đông người đã không đạt được.
Tất nhiên, ở Huế chưa có dịch bệnh. Những nơi có người mắc bệnh ở xa Huế. Người dân bị tác động về mặt tâm lý là có. Song cũng chưa nhận thấy sự cấp bách của mối nguy cận kề? Có lẽ vì vậy mà mọi hoạt động đều diễn ra tương đối bình thường.
Ở đây có thể nói, chính quyền đã làm tròn vai của mình. Những gì diễn ra chung quanh chuyện hạn chế lây nhiễm, lây lan dịch bệnh (có thể xảy ra) chính quyền đã làm rất tốt. Ban hành các chỉ thị; “kích hoạt” cả hệ thống chính trị chú tâm vào việc này; chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật; kiểm tra kiểm soát, xử lý những hành vi vi phạm… Song về phía người dân, người dân chưa làm tròn vai?
Các hoạt động kinh tế, hạn chế diễn ra sự đình trệ là điều nên làm. Song có những thứ chúng ta có thể tránh tụ tập đông người hoàn toàn có thể thực hiện được. Chẳng hạn như những công việc nào, có thể làm việc hoàn toàn hoặc một phần qua hệ thống mạng, hoặc cần tăng cường làm việc qua hệ thống mạng, hạn chế đi lại nhiều. Nhưng muốn được điều này, đối với các tổ chức, đơn vị… cần có quy định của người đứng đầu.
Những việc của họ tộc, của từng bản thân của mỗi gia đình cũng vậy. Một tiệc cưới cả 500 - 700 người thì sao? Có cách nào để thay thế được việc “tụ tập đông người” hay không? Mọi chuyện đều có cách xử lý của nó, vấn đề là chúng ta có thật sự muốn xử lý kiểu này hay cách khác. Đi chùa đầu năm là quan trọng, đó là chuyện tâm linh, tín ngưỡng. Tuy nhiên, chúng ta có thể “hy sinh” mục tiêu này trong ngắn hạn (trong điều kiện tình hình dịch bệnh nguy hiểm đang diễn ra và có nguy cơ đe dọa). Sẽ viếng lễ chùa vào một thời điểm thích hợp, theo người viết, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện tín ngưỡng, tâm linh…
Nói tóm lại, ra một văn bản thì không khó nhưng để tinh thần của văn bản thể hiện trong thực tế mới khó. Chuyện “hạn chế tụ tập đông người” nó chỉ tốt trong thực tế một khi người dân bắt tay thực hiện.
LÊ PHƯƠNG