ClockThứ Hai, 23/07/2018 14:32

Hãy vì sự nghiệp “trăm năm trồng người”

TTH - Nếu ai là “người trong cuộc”- có con em mình hiện diện trong mỗi mùa thi mới thấu hiểu sự lo âu, hồi hộp và trông chờ vào kết quả biết chừng nào.

Tôi cũng không ngoại lệ khi kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm nay có cậu con trai tham dự. Ngày biết điểm thi cũng là ngày gia đình tôi mừng vui khi con mình đạt điểm tương đối dù đề thi khó hơn mọi năm. Tuy nhiên, hơn một tuần nay, dư luận về việc gian lận điểm thi bắt đầu từ Hà Giang lan sang các tỉnh khác khi mà “thành thích” vượt mặt một số địa phương có truyền thống học tốt như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nam Định...; ngay cả Thừa Thiên Huế, vùng đất học cũng chỉ xếp thứ 33/63 tỉnh, thành trong kỳ thi THPT này.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã không thực sự “an toàn, nghiêm túc...” như báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo (GD&ĐT) tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, khi vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang bị khởi tố hình sự và một số địa phương đang điều tra. Đành rằng Bộ GD&ĐT có động thái nhanh khi dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã phối hợp với Bộ Công an cử lực lượng đến tận nơi để xem xét, rà soát.

Xin đừng vì một vài “điểm đen” trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay mà vội phủ nhận những nỗ lực cải cách, đổi mới công tác thi cử đã và đang diễn ra với nhiều điểm tích cực. Thực tế thì phương pháp nào, dù tối ưu nhất cũng bộc lộ những hạn chế; phương tiện công nghệ nào hiện đại, thông minh nhất cũng do con người tạo ra và do con người sử dụng. Yếu tố con người, bao gồm người lãnh đạo và người trực tiếp thực thi nhiệm vụ, luôn luôn quyết định sự thành công hay thất bại trong từng công việc.

Từ sự cố kỳ thi THPT vừa qua, Bộ GD&ĐT cần phải nghiêm túc xem xét lại toàn bộ các khâu từ tổ chức thi, coi thi, ra đề thi, chấm thi... để rút kinh nghiệm và điều chỉnh trong những kỳ thi sau. Bộ GD&ĐT cần lắng nghe dư luận xã hội, tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn để đánh giá lại toàn bộ mặt được và chưa được của kỳ thi “hai trong một” này; nếu cần có thể xem xét lại đề xuất tách kỳ thi này ra của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng nêu ra trong hội nghị tổng kết của Bộ GD&ĐT cách đây gần một năm.

Cũng từ vụ việc nghiêm trọng này, dư luận xã hội tỏ ra lo lắng cho số phận của đề án đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT đang vận hành. Đúng là cần nghiêm túc nhìn nhận những kẽ hở của quy chế thi và cách thức chấm thi, nếu có, để hoá giải, hạn chế, nhất là khâu theo dõi, giám sát.

Trước yêu cầu đổi mới, nhiệm vụ của ngành giáo dục nước nhà hết sức nặng nề, cần có những phương thức phù hợp, không chạy theo thành tích, chú trọng ứng dụng, vận dụng, thực hành...

Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Yêu thương dài theo năm tháng “trồng người”

Yêu thương mà cán bộ, giáo viên Trường THPT Thuận An (TP. Huế) dành cho các thế hệ học trò dài theo năm tháng, để các em trở thành những người trẻ làm chủ kiến thức khoa học, vừa học được cách chia sẻ yêu thương.

Yêu thương dài theo năm tháng “trồng người”
Cổ ngọc kể chuyện trăm năm

Những món cổ ngọc quý hiếm được chế tác điêu luyện nằm trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lần đầu tiên được trưng bày, giới thiệu đến công chúng khiến mọi người ngỡ ngàng, thích thú. Nhiều món đồ trong số đó, theo lời của chủ nhân, được thừa hưởng lại từ gia đình, một phần được ông cất công sưu tập từ hàng chục năm theo đuổi niềm đam mê cổ vật.

Cổ ngọc kể chuyện trăm năm
Return to top