Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan là tình trạng phổ biến ở nước ta hiện nay, không chỉ là mối hiểm họa cho sức khỏe của người nông dân, người sử dụng thực phẩm mà còn tác động đến môi trường. Điều này được cảnh báo từ lâu, nhưng ngày càng diễn biến phức tạp.
Thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu dùng để phun cho cây lúa, rau màu, lạc để kiểm soát các đối tượng gây hại như dịch bệnh, sâu rầy, cỏ, chuột. Mối nguy hại của thuốc bảo vệ thực vật cũng được cảnh báo và người nông dân cũng nhận thức được điều này. Tuy vậy, vẫn có một bộ phận nông dân chạy theo kinh tế mà bất chấp hậu quả. Chẳng thế mới có chuyện luống rau để bán riêng, luống rau nhà dùng riêng. Rau để bán thì xanh mơn mởn nhưng chẳng dám dùng, còn rau nhà ăn tuy không đẹp mã nhưng an toàn. Thậm chí có người mới phun thuốc hôm trước, hôm sau đã thu hoạch, dù biết tồn dư thuốc trên sản phẩm có nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Hơn nữa, hiện nay người nông dân chủ yếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm, không đúng quy cách dẫn đến sâu bệnh nhờn thuốc, nên phải thường xuyên tăng liều lượng dẫn đến lượng tồn dư thuốc trên sản phẩm và phát tán ra môi trường ngày càng tăng.
Thuốc bảo vệ thực vật như con dao hai lưỡi, nếu sử dụng không đúng cách vừa gây hại cây trồng, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người sử dụng thuốc. Thực tế, nhiều vụ người nông dân trắng tay khi sử dụng thuốc không đúng cách hoặc mua phải các loại thuốc không đảm bảo chất lượng. Mới đây nhất là vụ người trồng hoa Tết ở các xã Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thượng (Phú Vang) điêu đứng khi sử dụng thuốc diệt rầy khiến hoa cúc Tết bị điếc nụ. Các vụ ngộ độc do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, hay ngộ độc thực phẩm có liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật không phải là ít. Nhẹ thì nhức đầu, nôn mửa, ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng thì bị di chứng lâu dài, thậm chí mất mạng.
Một tác hại lâu dài, khó lường của thuốc bảo vệ thực vật là gây ô nhiễm môi trường. Thuốc hòa vào nước, ngấm vào đất gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất. Ngay như cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt ốc bươu vàng của nông dân Quảng Điền mới đây cũng là điều đáng báo động về lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Kết nối nhận định của ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền: “Vừa qua, tôm tại huyện Quảng Điền bị chết hàng loại, nguyên nhân là do ô nhiễm nguồn nước. Việc sử dụng thuốc diệt ốc có thể là một tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại các khu nuôi trồng thủy sản”, chúng ta có thể thấy tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách sẽ có tác động trên diện rộng và ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất khác.
Nâng cao kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, đúng cách cũng là vấn đề được đặt ra không chỉ cho người nông dân mà cả với các nhà quản lý. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” của các nhà chuyên môn: Đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách.
Hoàng Giang