ClockThứ Sáu, 04/11/2016 09:41

Hóa giải tin đồn

TTH - Sau tin đồn thất thiệt vỡ hồ Tả Trạch năm 2015, mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn với lượng mưa lớn các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh sẽ xả lũ; một số tiểu thương chợ Tây Lộc (TP. Huế) chất cao hàng hóa để đón lũ… khiến người dân lo lắng. Ngay sau đó, thông tin này đã được các cơ quan chức năng bác bỏ.

Tin đồn thường là những thông tin không chính thức hoặc thiếu chính xác được lan truyền từ người này sang người khác trong cộng đồng. Trong kinh doanh, một số doanh nghiệp, cá nhân sử dụng tin đồn làm vũ khí cạnh tranh không lành mạnh. Chuyện này từng xảy ra với Công ty Bia Huế, khi bị một số đối tượng là nhân viên của đại lý, chi nhánh một hãng bia lớn tại tỉnh Quảng Trị, lợi dụng tình hình căng thẳng trên Biển Đông để tuyên truyền, phát tán tờ rơi, tung tin đồn thất thiệt về thương hiệu bia Huda và Công ty Carlsberg Việt Nam. Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra lật tẩy chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh của các đối tượng, nhưng Bia Huế cũng bị tổn hại không nhỏ cả về doanh thu lẫn thị phần, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, an ninh kinh tế. Tương tự, giữa năm 2015, một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý ở Huế vì một bài viết được đăng tải trên trang thông tin điện tử và vài câu bình luận thiếu căn cứ khiến doanh nghiệp một phen lao đao, kinh doanh gặp khó, uy tín, danh dự nghề nghiệp bị ảnh hưởng. Hoặc tin đồn gạo Hồng ngọc có nhiều tinh bột, người ăn bị bệnh tiểu đường khiến nông dân HTX Phú Dương (Phú Vang) phải bỏ giống lúa này…

Không riêng trong lĩnh vực kinh doanh, tin đồn còn xuất hiện ở các lĩnh vực của đời sống, gây tác động xấu trật tự trị an. Điển hình là vụ việc nhóm học sinh Huế dàn dựng clip chế diễu kỳ thi THPT Quốc gia 2016 gây xôn xao dư luận. Chưa hết, khi cơ quan chức năng làm rõ vụ việc lại tiếp tục xuất hiện tin đồn nhóm học sinh bị nhà trường đuổi học và bị cơ quan chức năng xử phạt 50 triệu đồng, tạo dư luận không tốt…

Tin đồn không phải là hiện tượng mới, nhưng với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, tin đồn ngày càng phát tán nhanh và có ảnh hưởng lớn đến đời sống. Tin đồn có nhiều loại, với nhiều động cơ khác nhau. Có người tung tin đồn vì trục lợi; có người ác ý để bôi nhọ người khác, nhưng cũng có trường hợp không ý thức được tác hại đối với xã hội, chỉ cốt đùa vui… Theo quy định của pháp luật, việc tung tin đồn thất thiệt về người khác hoặc tin đồn khủng bố, dịch bệnh, vỡ hồ đập… lên các trang mạng nói chung và trang mạng xã hội nói riêng là việc làm vi phạm pháp luật, có thể bị phạt hành chính. Với những trường hợp tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống có thể bị xử lý hình sự.

Để ngăn chặn tin đồn thất thiệt, bên cạnh việc cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ, xử nghiêm những người vi phạm, bản thân người tiếp nhận cần cảnh giác và có trách nhiệm với việc chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động họp báo hoặc cung cấp tin tức thường xuyên về các tình huống “có vấn đề” và lý giải những gì đang xảy ra. Thông tin chính thức là thuốc “giải độc” cho những tin đồn nhảm, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.

Hoàng Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định danh tài khoản mạng xã hội, sẽ pháp lý hóa người dùng

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm trong dự thảo Nghị định 72 thay thế nghị định trước đó về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng xã hội (MXH) mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến, đó là quy định về xác thực tài khoản người dùng MXH thông qua số điện thoại di động.

Định danh tài khoản mạng xã hội, sẽ pháp lý hóa người dùng

TIN MỚI

Return to top