Thừa Thiên Huế cũng trong tình trạng chung ấy. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ điều này qua con số sau: Việc làm ổn định, tăng hay giảm bao giờ cũng gắn rất chặt với chỉ số tăng trưởng kinh tế. Chỉ số tăng trưởng cao sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập và ngược lại. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,8% thì 6 tháng đầu năm 2020 chỉ ở mức tăng 0,38%.
Một con số khác cũng cho thấy sự tác động rất lớn đến công ăn việc làm của người lao động, đó là việc làm mới được tạo ra. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, cả tỉnh chỉ tạo ra được nhỉnh hơn chút đỉnh so với con số 2.600 việc làm mới, giảm đến 70% so với cùng kỳ và chỉ đạt 15% kế hoạch.
Dịch bệnh hiện nay đang diễn biến phức tạp và khó lường trước được điều gì. Song cũng có những chỉ dấu cho chúng ta hy vọng về những khởi sắc, có thể ở mảng việc làm trong những tháng cuối năm!
Đó là vốn đầu tư công được tăng tốc. Hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng có nhiều công cụ, trong đó có công cụ quan trọng đó là tăng đầu tư công, tức là Nhà nước chủ động bơm một lượng vốn đáng kể nào đó vào nền kinh tế. Từ nguồn vốn này sẽ kích hoạt tạo ra nhiều công ăn việc làm và tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế.
Một ví dụ cụ thể ở TP. Huế để dễ hình dung. Đó là chương trình chỉnh trang đô thị ven bờ sông Hương và nhiều tuyến đường phố Huế. Các công trình được thi công sẽ tạo ra việc làm, thậm chí hơn công lao động trực tiếp. Các công trình này cần mua rất nhiều vật tư để thi công công trình sẽ tạo ra việc làm cho những nhà cung cấp. Đến lượt những người có thu nhập sẽ đem một phần thu nhập này tiêu dùng, tức là tạo ra một sự lan tỏa cho lĩnh vực dịch vụ… Hay như công trình “khổng lồ” đường cao tốc Bắc Nam qua Thừa Thiên Huế cũng vậy. Chỉ nguyên việc cung cấp vật liệu san lấp nền đã tạo ra không biết bao nhiêu việc làm.
Nói hy vọng những tháng cuối năm sẽ tạo ra được nhiều việc làm mới là bởi vì, 6 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư công giải ngân rất chậm. Và sau khi Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ thị (ở tỉnh là chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh) thúc đẩy thì việc giải ngân vốn đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến 31/7, ước tính giải ngân khoảng 216.538 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch.
Có 12 bộ, cơ quan Trung ương và 38 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt 55%-80%. Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước của cả nước được phép thực hiện trong năm 2020 khoảng gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng). Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, vốn đầu tư công của tỉnh được giao 2.564 tỷ đồng, 6 tháng đã giải ngân được 923 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36% kế hoạch.
Như vậy, chúng ta có thể thấy còn một nguồn vốn rất lớn (vốn công) và những tín hiệu tích cực từ những chuyển biến đầu tư công… hy vọng sẽ có một nguồn vốn lớn nữa bơm vào nền kinh tế. Tức là sẽ tạo ra nhiều việc làm.
Nguyên Lê