Nói như ông Sơn, ví dụ ngày 1 bắt đầu có bụi mịn thì ngày 30 người dân mới được cảnh báo (cứ cho cái sự nói “sau một tháng” của ông Sơn là một ước lệ, tức là không thể đưa ra thông báo ngay và nhanh được).
Trong trường hợp này chúng ta hiểu như thế nào?
Hướng một: thế thì quan trắc để làm gì. Có thể một tháng sau, vì nhiều lí do (mưa lớn liên tục chẳng hạn), ô nhiễm bụi mịn đã hết thì người dân mới biết kết quả ô nhiễm. Điều này chẳng có ý nghĩa gì với người dân vì người dân đã hít thở bụi mịn cả tháng nay rồi!
Hướng hai: quan trắc môi trường (trong đó có ô nhiễm không khí) là để cập nhật số liệu cho tương lai, có thể là nghiên cứu và các hoạt động ứng phó cho tương lai chứ không phải là cho hiện tại.
Cả hai trường hợp nêu trên đều không tốt với hiện tại. Vì vậy, tốt nhất, nếu công bố kết quả, trong trường hợp bụi mịn có thể lặp lại thì phải công bố những dấu hiệu có thể được gọi là ô nhiễm bụi mịn và cách phòng tránh có thể, để người dân biết mà phòng chống hoặc phòng tránh. Còn kết quả đó dùng vào việc nghiên cứu để đưa ra những dấu hiệu biến đổi có thể (ví dụ như những dấu hiệu như thế nào gọi là ô nhiễm, ô nhiễm ở mức vượt ngưỡng, ô nhiễm ở mức xấu).
Và đến đây có một câu hỏi đặt ra, nếu như kết quả quan trắc chỉ để chủ yếu phục vụ cho việc nghiên cứu, đưa ra những kết luận cho tương lai, thì nhiệm vụ này phải chuyển cho một đơn vị phù hợp, ví dụ như viện nghiên cứu chuyên ngành, các trường đại học, không nhất thiết phải là nhiệm vụ của một đơn vị chức năng của chính quyền. Vì dù sao, chức năng của chính quyền là chức năng hành pháp. Đã hành pháp thì buộc phải có những phản ứng nhanh nhạy!
Bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, đưa ra những chỉ số cảnh báo để người dân nhận biết và phản ứng đối phó là hết sức cần thiết, không thể không làm. Ví dụ như cảnh báo sóng thần. Sống trên một nền địa chất đầy biến động cho nên người Nhật nghiên cứu rất kỹ các dấu hiệu về cảnh báo sóng thần (có thể xảy ra) giáo dục cho học sinh ngay trong trường học và người dân để mọi người nhận biết. Khi có những dấu hiệu như vậy thì người dân có thái độ ứng phó phù hợp.
Nói như thế để thấy rằng, thái độ, phương cách ứng phó với thiên tai nói chung mới là quan trọng, chứ điều người dân cần không phải là biết kết quả của thiên tai nó như thế nào.
Nêu vấn đề như vậy mới thấy, nhiều cách ứng phó với thiên tai của chúng ta là không phù hợp với thực tế, tức là không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ví dụ như chuyện cá nuôi chết hàng loạt trên một số dòng sông ở Thừa Thiên Huế, như sông Bồ, đầm Lập An... Tôm chết hàng loạt ở nơi này nơi kia, gần đây nhất là cá chết trên sông Bồ.
Vụ cá chết trên sông Bồ gần đây nhất làm thiệt hại ước khoảng 16 tấn, một bản tin cuối tháng 9 đưa ra nguyên nhân như sau: “Chiều 3/9, UBND huyện đã xác định nguyên nhân làm cá chết là do nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ. Sở dĩ có tình trạng này là sau vụ hè thu, người dân bỏ rơm lại trên đồng, qua quá trình nắng mưa, rơm bị phân hủy. Mấy hôm nay trời có mưa, nước mưa đã rửa trôi đồng ruộng, mang theo rơm đang phân hủy cùng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chảy xuống sông gây ô nhiễm, chết cá”.
Điều này chẳng có ý nghĩa gì với người nuôi cá. Nó chỉ có ý nghĩa khi huyện vận động người dân không đốt rơm rạ khi thu hoạch làm ảnh hưởng đến môi trường; phun thuốc bảo vệ thực vật như thế nào để tránh dư lượng. “Ngon” hơn nữa là nên canh tác theo hướng hữu cơ để bảo vệ môi trường, vừa đưa ra chất lượng tốt vừa không ảnh hưởng đến ngành nghề khác.
Nói như thế để thấy rằng, cái người dân cần là thực chất, phương thức giải quyết. Các đơn vị làm công tác cảnh báo nên theo hướng này.
Nguyên Lê