ClockThứ Hai, 12/12/2022 06:34

Khi sức khỏe tâm thần bị tổn thương

TTH - “Còn khoảng 70% trường học trong cả nước không có phòng tham vấn tâm lý học đường đạt chuẩn, khiến các em thiếu đi sự hỗ trợ kịp thời và phù hợp” là điều mà bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam - chia sẻ tại hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học: Từ chính sách đến thực tiễn”, được tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Tổn thương tâm lý và sức khỏe với nạn nhân sau thiên tai khó đong đếm

Tuy nhiên, con số 70% nêu trên chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra sự tổn thương về sức khỏe tâm thần trong trường học. Lâu nay, chúng ta vẫn nói nhiều, bàn mãi nhưng vẫn chưa có giải pháp rốt ráo nào để giảm được những tác động đến sức khỏe tâm thần cho lứa tuổi học đường (kể cả người lớn).

Thực ra, các vấn đề về sức khỏe tâm thần hiện đang tác động rất nhiều đến con người ở thì hiện tại. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì nó hiện ảnh hưởng đến hơn một phần tư dân số thế giới, với các rối loạn như trầm cảm ảnh hưởng đến 350 triệu người trên toàn cầu. Năm 2021, nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra một con số ước tính là có khoảng 15 đến 30% người trẻ Việt Nam độ tuổi từ 9-19 bị rối loạn sức khỏe tâm thần, như: lo lắng, trầm cảm, cô đơn và rối loạn tăng động giảm chú ý. Một nghiên cứu “gói gọn” về sức khỏe tâm thần mà Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AAV) thực hiện tại 6 trường tiểu học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã cho ra những thông số cần lưu tâm, khi 11,7% các em học sinh tự đánh giá mình có nguy cơ rối loạn tâm lý, 7,2% có rối loạn tâm lý; 47% học sinh tham gia khảo sát cho rằng nguyên nhân của các vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội đến từ việc cha, mẹ, ông, bà quản lý nghiêm ngặt và do áp lực và thất bại trong học tập.

Nhìn từ lứa tuổi học đường, chúng ta vẫn thấy rõ một thực tế là con em chúng ta thiếu thời gian và cả không gian cho việc nghỉ ngơi, thư giãn, bao gồm cả các sân chơi, phòng tập hay những kỳ sinh hoạt ngoại khóa khác. Kỳ vọng của cha mẹ đặt lên con cái, áp lực của các suất học mỗi ngày (bao gồm học chính khóa, học thêm…) đã trở thành gánh nặng mà lứa tuổi này phải “mang vác” hàng ngày, nhất là ở các đô thị. Nhưng áp lực ở giảng đường còn là những vấn đề khác, chẳng hạn như môi trường học đường, khả năng tiếp cận với thế giới xung quanh, cả sự chi phối của các thiết bị công nghệ điện tử, gia đình ít gần gũi… Thiếu môi trường, kỹ năng và khả năng giao tiếp là những hạn chế, có tác động tiêu cực đến tâm lý, hành vi của lứa tuổi này.

Hợp lực, thúc đẩy nhận thức và hành động mạnh mẽ hơn giữa gia đình, nhà trường và Chính phủ trong bối cảnh hậu COVID-19 là yêu cầu đặt ra giữa các bên trong mối quan hệ vi mô và vĩ mô để cùng giải quyết vấn đề mang tính xã hội. Điều này đã được thể hiện từ Quyết định số 1442/QĐ-BGDĐT ngày 1/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025.

Từ góc nhìn của mình, chúng tôi nhận thấy, điều đầu tiên, cơ bản và quan trọng nhất phải được bắt đầu và đặt nền tảng từ gia đình. Quan tâm tới từng thành viên là việc đương nhiên, nhưng có lẽ nhiều, thậm chí rất nhiều phụ huynh cũng cần phải đọc, nghiên cứu thêm về tâm sinh lý ở từng lứa tuổi để có thể trở thành người bạn, người đồng hành tin cậy của con trên những chặng đường của hành trình lớn lên, trưởng thành…

MINH HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm bớt những áp lực vô hình cho học sinh

Khi hỏi về những áp lực mà bản thân đang đối mặt, rất nhiều học sinh có chung câu trả lời là áp lực về các thành tích trong học tập. Em Đinh Vũ Kiều Anh học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế) giãi bày: “Học sinh chúng em đang chịu áp lực về điểm số học tập hoàn hảo”. Đoàn Phan Thục Hiền ở Trường THCS Phú Mậu thì cho rằng, chính những yêu cầu cao của thầy cô cho từng môn học trên lớp, những kỳ vọng của bố mẹ vào con cái tạo nên áp lực cho chúng em.

Giảm bớt những áp lực vô hình cho học sinh
“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con

TIN MỚI

Return to top