|
Sau những giờ học căng thẳng, trẻ cần được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm. Ảnh: GIA HƯNG |
Chị Hồng Thu ở thị xã Hương Thủy năm nay có cậu con trai lên lớp 5. Ngay những ngày đầu hè, được các phụ huynh đi trước giới thiệu, chị đã tìm các địa chỉ giáo viên để cho con theo học suốt cả năm. Chị chia sẻ: “Muốn thi vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương, TP. Huế thì phải cho con đi ôn luyện. Dù nhà cách xa Huế hơn 10 cây số, đều đặn hằng ngày chị vẫn chở con lên phố để "tầm sư học đạo", mong muốn con trai thi đỗ vào lớp 6 Trường Nguyễn Tri Phương. Ngày hè thời gian còn đỡ, vào năm học lịch kín hết, nhiều ngày học đến 9 giờ tối mới về nhà”.
Chính tâm lý lo lắng sợ không vượt qua kỳ thi, không được điểm cao, thua chúng kém bạn nên nhiều phụ huynh thiếu cân nhắc trong việc lựa chọn môn học, sắp xếp thời gian học hợp lý cho con. Lịch học chồng chéo, sát nhau khiến các em cuống quýt, mỏi mệt. Cũng vì mong muốn con em mình đạt thành tích này, danh hiệu nọ nên môn học nào cũng yêu cầu con phải đầu tư, phải đi học thêm. Hồng Phúc, học sinh lớp 8 ở huyện Phú Vang tâm sự: “Mỗi lần phát bài kiểm tra được điểm cao thì mẹ vui vẻ, nhưng khi biết điểm thấp thì mẹ lại la mắng, cứ nói này nói nọ”.
Cuối năm học, sau mỗi kỳ thi… mạng xã hội lại rầm rộ cảnh khoe giấy khen, bảng điểm, thành tích học tập… Điều này tạo áp lực không nhỏ cho những gia đình, những học sinh có kết quả không như mong muốn. Em Minh Thư, học sinh lớp 9 ở Huế cho rằng, chúng em thường bị so sánh với con nhà người ta, áp lực vô cùng.
Kỳ vọng về điểm số hoàn hảo, học giỏi toàn diện các môn, thi đỗ vào trường tốp đầu… mà phụ huynh đặt ra đã tạo nên áp lực lớn cho chính con em trong ngôi nhà của mình. Ngoài áp lực từ gia đình, học sinh còn chịu áp lực từ nhà trường, thầy cô giáo. Với học sinh tiểu học, chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và cả chương trình hiện hành là không giao bài tập về nhà cho học sinh. Thời gian ở nhà, giáo viên khuyến khích học sinh tự giác ôn lại bài cũ hoặc chuẩn bị trước bài mới nếu cần.
Để học sinh không phải chịu nhiều áp lục vô hình khiến các em cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, thiết nghĩ hơn ai hết, bố mẹ phải lắng nghe các con nói, đặt vị trí mình vào các con để có cách ứng xử phù hợp, tạo cho con tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng. Nhà trường không chạy theo thành tích, điểm số và cần tăng cường tổ chức các hoạt động phù hợp tạo sự cân bằng giữa học và chơi. Thầy cô giáo và lãnh đạo nhà trường nên duy trì các buổi đối thoại với học sinh, lắng nghe lời chia sẻ, những tâm tư, mong muốn của các em để có sự điều chỉnh phù hợp.
TS. Hoàng Thu Thủy, nguyên giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Huế (nay là Trường cao đẳng Huế) bày tỏ quan điểm: “Thay vì tạo áp lực học hành, thi cử, đặt quá nhiều kỳ vọng cho giới trẻ thì gia đình và nhà trường cần có những định hướng rõ ràng; giáo dục kỹ năng sống và khuyến khích các em tham gia nhiều hơn vào hoạt động nghệ thuật, thể thao giúp cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện”.