ClockThứ Ba, 13/09/2016 05:01

Khởi nghiệp Huế: Chưa nhiều bạn trẻ quan tâm

TTH - Dù đã có những khởi động cần thiết, song số lượng bạn trẻ đến với dự án hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp Huế (tạm gọi là dự án khởi nghiệp Huế) còn khiêm tốn.

Không thiếu người trẻ

Huế có lượng lớn người trẻ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, đó là chưa kể lượng sinh viên đã ra trường chưa có việc làm khá lớn. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do người trẻ làm quản lý không phải ít. Thế nhưng, hình như lớp trẻ Huế chưa quan tâm nhiều đến dự án khởi nghiệp, nơi mà họ có thể có cơ hội thành công hoặc ít ra “cũng thành nhân” trong môi trường làm việc năng động, sáng tạo và được hỗ trợ nhiều thứ.

Tham gia dự án khởi nghiệp Huế, các bạn trẻ có cơ hội chia sẻ thông tin, hợp tác với nhau

Điều đó, trong nhận định về dự án khởi nghiệp Huế, chuyên gia của chương trình hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang đã nhận định tại hội thảo khởi động dự án tổ chức hồi tháng 7 vừa qua, một phần là do tính cách người Huế còn rụt rè, thiếu tự tin và ngại thể hiện bản thân, trong khi họ hoàn toàn có thể làm và làm tốt hơn nhiều người trẻ ở các vùng miền khác.

Đó cũng là lý do đến nay cuộc thi chỉ nhận khoảng 20 ý tưởng. Riêng vườn ươm khởi nghiệp hiện có 7 nhóm đăng ký làm việc, nhóm nhiều nhất được 5 người, có nhóm chỉ duy nhất 1 người. Lĩnh vực mà các nhóm hoạt động liên quan đến du lịch, truyền thông, nhận diện thương hiệu... Cũng có một vài sản phẩm của các nhóm đã “trình làng”, song chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn “phôi thai” và cần nhiều sự hỗ trợ, can thiệp từ phía các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, mới có thể định hình và “tự bước đi”.

Theo chị Nguyễn Thị An Nhàn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư cộng hưởng (CoPlus), đơn vị đang trực tiếp quản lý vườn ươm khởi nghiệp Huế và không gian làm việc chung, các bước cơ bản đều đã triển khai, gồm tổ chức hội thảo, truyền thông giới thiệu dự án, phát tờ rơi, tổ chức các buổi nói chuyện với sinh viên các trường đại học trên địa bàn…, Song đến nay, số bạn trẻ quan tâm đến dự án không như mong đợi và các ý tưởng gửi đến cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế” gần như 100% là của các doanh nghiệp nhỏ, một số bạn sinh viên đã ra trường và không có ý tưởng của sinh viên.

Chưa nhiều người quan tâm

Tại không gian làm việc chung của vườn ươm khởi nghiệp Huế ở 65 Bến Nghé, còn khá nhiều bàn làm việc trống, dù cơ sở vật chất được đầu tư khá bài bản.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế Huế đến tham quan, tìm hiểu không gian làm việc chung

Chị An Nhàn cho hay, sau khi khởi động dự án, UBND tỉnh đã tạo điều kiện để dự án được sử dụng mặt bằng tại của Công ty TNHH NNMTV Xổ số kiến thiết, song qua khảo sát, do mặt bằng chưa phù hợp, cần sự đầu tư lớn nên dự án từ chối. Do đó, khi sử dụng địa điểm hiện tại, các nhóm làm việc phải chi trả kinh phí thuê mặt bằng, điện nước khoảng 800 ngàn đồng/tháng. Sắp tới, sau khi UBND tỉnh thông qua việc hỗ trợ địa điểm mới, các nhóm sẽ được miễn chi phí này và chỉ trả tiền điện, nước. Đây là một trong những lợi thế mà các bạn trẻ được hưởng khi tham gia vườn ươm.

Cái hay khác của vườn ươm khởi nghiệp Huế là khi làm việc chung, các bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm, sử dụng sản phẩm của nhau và được tư vấn, hướng dẫn các quá trình hình thành, kết nối sản phẩm và quan trọng hơn hết là đầu ra, nhờ sự hỗ trợ liên kết từ phía CoPlus và dự án.

Nhiều lợi thế, song đến nay, dường như dự án khởi nghiệp Huế vẫn chỉ gói gọn là sân chơi của một số người và chưa như kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh về việc tạo ra một thế hệ mới năng động, với những dự án khả thi, ý tưởng sáng tạo, đổi mới, có thể giúp Huế thay  đổi, tạo dấu ấn với cả nước.

Về nguyên nhân, như đã nêu, ngoài sự rụt rè, thiếu tự tin của sinh viên, người trẻ, còn bởi sự vào cuộc chưa nhiệt huyết của một số cơ quan liên quan. Đây không chỉ là cảm giác của chúng tôi, mà là khẳng định của bà Lê Thị Hồng Mai, Trưởng phòng Đăng ký doanh nghiệp Sở Kế hoạch và Đầu tư, người được giao trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện dự án khởi nghiệp Huế. Bà Mai khẳng định, trong quá trình phối hợp làm việc với các cơ quan liên quan, bà khá vất vả trong việc liên hệ, thực hiện các thủ tục… Với chức năng, nhiệm vụ của mình, bà cũng đã tham mưu và trình lãnh đạo sở cũng như lãnh đạo tỉnh để thông qua kế hoạch hoạt động 2016-2018, giai đoạn tiếp theo sẽ do Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện.

Lãnh đạo CoPlus dự tính, trước tiên sẽ tập trung cho cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế”, sau đó sẽ có nhiều dự tính khác cho vườn ươm. Quan điểm của dự án là chỉ hỗ trợ một thời gian nhất định và sẽ luân phiên để hỗ trợ những người khác. Một bạn trẻ, nhóm bạn trẻ chỉ có thể làm việc tại vườn ươm 1-2 năm và nhường lại cơ hội cho người khác để nhiều người cùng có cơ hội thể hiện chất xám và được hỗ trợ. Đó cũng là mục tiêu của dự án, nhằm tạo ra một thế hệ người trẻ có đầy đủ kỹ năng, bản lĩnh cần thiết có thể tự bước đi bằng chính sức lực và trí tuệ của mình.

Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế” đã qua vòng sơ tuyển, ban tổ chức đang hướng dẫn, đào tạo kỹ năng thuyết trình để chọn 10 dự án vào vòng 2 và sau đó sẽ lựa chọn 5 dự án vào vòng chung kết. Ngoài các giải thưởng có giá trị theo quy định, như giải nhất 20 triệu đồng, nhì 10 triệu đồng, ba 5 triệu đồng.., top 5 còn có cơ hội nhận sự hỗ trợ đầu tư ban đầu, được làm việc tại không gian làm việc chung và vườn ươm khởi nghiệp.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sôi nổi cuộc thi khởi nghiệp YES! Camp x Huế 2024

Tối 24/11, chương trình YES! Camp x Huế 2024 với chủ đề "NetZero", do Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Đại học Huế tổ chức đã chính thức khép lại sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, hấp dẫn.

Sôi nổi cuộc thi khởi nghiệp YES Camp x Huế 2024
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Return to top